Tác giả: Đoan Trang (http://tuanvietnam.net/2009-12-11-phat-ngon-an-tuong-nguoi-vn-khong-co-gien-troi-giau-dot-)

Phát hiện và phát ngôn ấn tượng này là niềm vui mỏng manh cho chúng ta trong tuần thứ 50 của năm. Những sự kiện khác, thể hiện qua các phát ngôn khác, đều khiến ta phải đau đầu suy nghĩ, từ chuyện thị trường bất ổn vì tin đồn, đến nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm...


Tin đồn nhảm đến từ đâu?
Năm 2009, bên cạnh những khó khăn chung của toàn nền kinh tế khiến nhiều người lao đao, thị trường còn sôi sục với đủ loại tin đồn: nào tiền mất giá, NHTW sẽ phát hành đồng tiền mệnh giá 1 triệu, nào biến động giá vàng, giá gạo, giá đôla... càng làm tình hình thêm rối ren, dân chúng thêm rối ruột.
Nhìn nhận về việc này, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Quản lý Kinh tế TW, phát biểu: "...Tin đồn bắt nguồn từ sự thực, "không có lửa làm sao có khói". Đó chính là việc hoạch định và cam kết các chính sách của Chính phủ không nhất quán, rõ ràng; thiếu các thông tin hỗ trợ minh bạch, gây mất lòng tin cho người dân". (Đất Việt, 9/12)
Ông Thành lấy ví dụ, tiêu biểu nhất là cam kết về điều hành ổn định tỷ giá của NHNN. Rõ ràng cam kết này không được hỗ trợ bởi tình hình thực tế (căn cứ lạm phát, nguồn ngoại tệ...) để rồi cuối cùng Thống đốc đã phải tuyên bố "điều chỉnh" tỷ giá.

TS. Võ Trí Thành
Chính sách cứ "giật đùng đùng" như vậy, ai người đủ can đảm để bình tâm? Lâu nay người dân cứ hay bị phê là có "tâm lý bầy đàn", hay hoang mang, tin lời đồn nhảm nhí khiến tình hình đã phức tạp càng thêm phức tạp. Nhưng ta hãy thử hỏi, dân ở đâu không có tính ấy? Đồn thổi, "tám" là một trong những thói quen phổ biến của bất kỳ người nào thuộc bất kỳ đám đông nào, đặc biệt nếu thông tin chính thống vắng bóng hoặc mù mờ không rõ ràng.
Nói một cách ngắn gọn: Khi nào và ở nơi đâu thông tin chính thống không minh bạch và đầy đủ, thì thông tin vỉa hè lên ngôi.
Vậy nên, xin đừng phê phán người dân có tâm lý bầy đàn, hỡi những nhà làm chính sách! Không thể ngăn chặn, "tận diệt" tin đồn (vì đó là điều bất khả thi), nhưng có thể hạn chế tin đồn và nhất là chế ngự hậu quả xấu của nó, bằng sự minh bạch, công khai và dân chủ hóa thông tin.
Chờ có người chết vì thực phẩm bẩn đã...
Phó CT Đào Văn Bình (Ảnh: Thanh Hải)
Chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta giờ đã tới mức đủ để mỗi người dân đều "yên tâm" là đã từng tích ít nhiều chất độc vào cơ thể qua đường ăn uống: rau nhiễm thuốc trừ sâu, hoa quả "tươi ngon mãi" vì chứa thuốc bảo vệ thực vật, mỡ bẩn, bì lợn thối... Xa hơn một chút là thịt lợn nhiễm điôxin, hàn the giả, bánh phở ngâm phormol... Nhân dân đã đến lúc cần được cấp cứu. Nhưng khi đại biểu HĐND TP chất vấn về chuyện xử lý thế nào, có nên học theo Trung Quốc tử hình ba người trong vụ sữa nhiễm độc không, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình phân trần: "Trung Quốc có một số trẻ chết do uống sữa nên xử tử hình được. Còn các vi phạm ở ta, chưa ai chết nên khó xử lý hình sự". (VietNamNet, 10/12)
Câu nói của Phó Chủ tịch UBND TP có lẽ làm nhiều người thấy... khủng khiếp. Dân chúng tích lũy, hấp thu đủ thứ chất độc vào cơ thể như vậy mà vẫn chưa đủ để chính quyền ra tay làm điều gì đó thật quyết liệt hay sao?
Đáng ngại là không chỉ mình ông Đào Văn Bình nghĩ và nói vậy, mà đó là tư duy của cả những người thừa hành pháp luật. Chính ông Bình phản ánh: "Tuy phía công an nói là phải gây hậu quả thì mới xử lý hình sự được, nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo kiên quyết xử lý". (Ông không nói rõ được là kiên quyết xử lý thế nào).
So sánh vụ việc này với những lần các chiến sĩ công an hành động mau chóng không ngờ trong nhiều vụ việc khác, chỉ thấy nổi lên sự khó hiểu.
Cuối cùng, bất luận luật pháp nước ta quy định thế nào, nói rằng chưa ai chết nên khó hoặc không xử lý hình sự được, cũng là cách nói chối bỏ những quyền căn bản của người tiêu dùng.
Người VN không có gien trội giấu dốt, thế mà...?
GS Lê Trọng Bình
Sau nhiều năm nghiên cứu về gien người, GS.TS. Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, có một kết luận thú vị rằng: "Người Việt Nam không có gen trội giấu dốt". Phóng viên thắc mắc vì sao người ta đầu tư cho thể thao mà lại không đầu tư cho khoa học. Và GS.TS. Lê Trần Bình giải thích: "Người ta đầu tư cho thương mại. Từ thương mại ra tiền, thể thao ra huy chương. Nhưng đầu tư giáo dục và khoa học chỉ ra con người vô hình. Phải chờ thời gian mới có hiệu quả.
Những vị lãnh đạo có thể ra sân đá bóng xem đội Việt Nam thi đấu là bình thường. Nhưng tôi không bao giờ thấy các ông ấy ngồi tham dự hội nghị khoa học". (Khoa học & Đời sống Online, 4/12)
GS.TS. Bình nói vậy, chứ vẫn có thể thấy lãnh đạo ở ta thường xuyên tham dự hội thảo, hội nghị khoa học. Chỉ có điều, sự tham dự ấy cũng thường xuyên chỉ giới hạn ở phần phát biểu lúc khai mạc mà thôi, còn phần chính yếu của hội nghị khoa học, nhất là phần thảo luận (nếu có) thì kể ra cũng ít được lãnh đạo tham gia.
Dân trí, trình độ KH-KT của một quốc gia sẽ phát triển nếu lãnh đạo không chỉ có mặt trong các trận túc cầu, mà còn tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học, trên tinh thần của người muốn tìm hiểu vấn đề chứ không phải với tư cách người quản lý giới khoa học, đến đọc diễn văn hoặc phát biểu khai mạc, định hướng là đủ.
Vụ bãi rác Đa Phước: Kiểm toán không thống nhất với Thành ủy
Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài
Hồ sơ về dự án bãi rác Đa Phước cho thấy, tại văn bản ký ngày 10/6/2005, UBND TP HCM đã đồng ý ứng trước 9 triệu USD cho chủ đầu tư (công ty TNHH 100% vốn nước ngoài VWS) để xây dựng cầu, công trình hạ tầng của dự án. Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 2/12, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định việc TP HCM tạm ứng 9 triệu USD cho công ty VWS là sai quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Sáu ngày sau (8/12), Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho biết ông "rất ngạc nhiên", vì chưa có văn bản nào của Kiểm toán Nhà nước kết luận khoản ứng trước 9 triệu USD cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là sai luật.
Tuy nhiên phát biểu của Kiểm toán Nhà nước có vẻ chống lại sự ngạc nhiên của ông Nguyễn Thành Tài. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc UBND TP.HCM không nhận được kết quả báo cáo kiểm toán, nhân viên của ông đã kiểm tra lại và thấy công văn đã được gửi đi, ghi rõ ngày tháng, số, địa chỉ nơi nhận, nội dung khớp với những gì Kiểm toán Nhà nước đã công khai trong cuộc họp báo hôm 2/12.
Còn việc TP.HCM chưa nhận được thì Kiểm toán "không biết do đường dây hay văn thư ở UBND TP", và "Công văn đó đi đến đâu, nhận được ngày nào thì KTNN chịu, không kiểm tra được". (VietNamNet, 9/12)
Chuyện phát biểu (miệng) của quan chức không khớp với thực tế (văn bản) này có vẻ "quen quen". Chúng ta nhớ đã gặp trường hợp gần tương tự ở đâu rồi: Mới tháng trước, đại diện Thành ủy Cần Thơ nói "chưa có ý kiến gì" về vụ Nông trường Sông Hậu. Thế nhưng, văn bản của Thành ủy từ tháng 3/2008 thì đã ghi rất rõ ý kiến liên quan tới vụ án này.
Lời nói gió bay, nhưng lời viết ghi trong văn bản chẳng nhẽ cũng dễ bị bay?
"Không nên xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia"
Ông Trần Trọng Hanh
Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, phát biểu ý kiến về đề án xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia: "Hiện hầu hết bộ, ngành đã có trụ sở nên theo tôi không cần dành 100-200 ha để xây dựng địa điểm mới rồi lại phải di chuyển, hàng ngày đưa cán bộ đi về và xa dân. Chưa nói đến địa điểm được đề xuất lại khá xa trung tâm thủ đô, thiếu sự quy tụ". (VnExpress, 9/12) Ông Hanh cũng phản bác lại quan điểm cho rằng xây dựng một trung tâm hành chính sẽ tạo sự liên thông, dễ dàng cho người dân thực hiện các thủ tục. Bởi lẽ, theo ông Hanh, ở phần lớn các thủ đô trên thế giới, các cơ quan bộ, ngành "phân tán khắp nơi".

Quan điểm của một chuyên gia kiến trúc quả thực rất hợp lý. Rất nhiều quốc gia phát triển đã có hệ thống cơ quan hành chính rải rác từ mấy trăm năm nay, và ở nước họ, sự tiện lợi trong thủ tục hành chính được thể hiện ở việc cán bộ, công chức thực sự là "đầy tớ của dân" chứ không phải "bố mẹ của dân".
Vả lại, trong những trường hợp bình thường, người dân cũng không cần thực hiện tới hàng chục thủ tục hành chính một lúc để phải tập trung tất cả các cơ quan hành chính về một trung tâm đặng "đi cho tiện" (nhất là khi trung tâm ấy lại còn ở xa trung tâm thủ đô!).
Điều có ích hơn, cần kíp hơn, và có lẽ cũng ít tốn kém hơn việc xây dựng cả một Trung tâm hành chính quốc gia hoành tráng, là cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ hành chính, thay đổi cung cách, thái độ làm việc của họ theo hướng phục vụ dân tốt hơn, và dần dần mở thêm những cơ quan hành chính ở từng địa phương, đáp ứng nhu cầu từng khu vực.
Du học sinh tự túc sẽ bị quản chặt hơn
Ông Trương Duy Phúc
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế quản lý công dân Việt Nam đào tạo ở nước ngoài, thu hút sự chú ý của đông đảo người Việt Nam đã, đang và sẽ là lưu học sinh. Theo ông Trương Duy Phúc, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, "quy định này không loại trừ đối tượng du học diện tự túc. Hơn nữa, bằng của các LHS, đặc biệt là diện du học tự túc về sẽ được Bộ GD-ĐT Việt Nam công nhận chứ không "bị" coi là bằng giả". (VietNamNet, 10/12)
Ông Phúc cũng nói rõ: "Về báo cáo kết quả học tập, quy chế áp dụng cho tất cả đối tượng du học ở nước ngoài, kể cả LHS diện tự túc cũng phải gửi báo cáo định kỳ về Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT)".
Lưu học sinh du học diện tự túc (tự bỏ tiền túi, không do cơ quan nào cử đi) mà phải gửi báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý Nhà nước, e là hơi khó chấp nhận, bởi thông thường kết quả học tập có thể được coi là một dạng thông tin cá nhân, được pháp luật nước sở tại bảo vệ.
Ngoài ra, nếu chấp hành quản lý tốt là điều kiện để bằng cấp của lưu học sinh diện tự túc được công nhận (mà không bị coi là bằng giả), thì lại phải đặt câu hỏi: Tại sao bằng cấp chính thức của một trường ngoại quốc cấp lại có thể bị Việt Nam tự tiện coi là bằng giả, chỉ vì người theo học tự bỏ tiền túi để du học?
Nói chung, để hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của quy chế mới này cần thời gian nghiên cứu, nhưng nhìn qua thì có thể thấy nó toát lên màu sắc mà các nhà quản lý ở ta lâu nay rất ưa thích: siết chặt!

1 Responses to Phát ngôn ấn tượng: "Người VN không có gien trội giấu dốt"

  1. Tốt đỏ Says:
  2. Keetes luaanj: Hayx lo cho minhf truowwcs khi troiw cuu

     

Đăng nhận xét