Biết đâu, khi ký ức 20 năm qua từng được gói gắm bị khơi dậy, ngay hôm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ tìm cách quay trở lại trường cũ ở nước Nga, thăm lại cô giáo già của mình. Nếu thế, cô giáo Nhina sẽ toại nguyện "được gặp lại Khoa trước khi chết"…
Hoa. Nước mắt. Cả những gì tận trong sâu thẳm nay có dịp trào ra. Không chỉ đối với những ai có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong tối 17- 01 -2010. Và cũng không riêng những ai đã từng ở, học, làm việc hay đặt chân đến Liên Xô cũ (nước Nga và các nước SNG ngày nay). Cuộc hội ngộ, giao lưu của thầy trò Nga - Việt chỉ hơn 4 tiếng đồng (được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3, Đài truyền hình Việt Nam tối 17/12010) như thể là có một bàn tay diệu kỳ bật mở cái hòm ký ức đẹp đẽ, thiêng liêng của nhiều người Việt.
 Cuộc hội ngộ xúc động của thầy trò Xô - Việt
 Cuộc hội ngộ xúc động của thầy trò Xô - Việt
Những câu chào, câu chúc bằng tiếng Nga здравствуйте!, привет!, Желаю вам счастливого ... thân thuộc ngày nào cũng bật ra trở lại khi họ bước chân đến đây, gặp lại không gian Nga, kỷ niệm Nga, bạn bè Việt, thầy cô Nga một thủa... Có nhiều, nhiều người tóc đã điểm bạc, mắt chân chim bỗng dưng hồn nhiên, thơ trẻ. Bỗng dưng thấy mình giàu có tinh thần trở lại khi được sống lại với âm nhạc Nga thực sự qua những giọng ca của những nghệ sĩ Nga đích thực; khi được gặp lại những tâm hồn Nga từ những người thân thương đến từ đất nước bạch dương mà họ một thời gắn bó.
Có vẻ như những gì của cuộc sống bon chen thường ngày là phù du, là không thật bởi những gì mà tôi vừa chứng kiến trong khoảnh khắc này, tại không gian của Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong đêm nay (17 -01 - 2010) là tình cảm CHÂN THỰC – điều quý giá và tưởng chừng như không còn nữa
1
Cô giáo người Nga cách đây 30 năm từng áp má mình vào trán một sinh viên Việt Nam để xem "Em có còn sốt không?". Ảnh Phan Minh
Có một đồng nghiệp trẻ nói với tôi: "Thế hệ chúng em khó mà giải thích được tại sao những thầy cô Liên xô ngày đó lại có thể yêu học sinh Việt Nam đến như vậy được? Nếu chỉ là tình thân hữu nghị thì cũng khó có thể bền lâu và ruột thịt đến như vậy?”.

Người Nga có một câu ngạn ngữ ý là: “Ăn một bát muối mới hiểu hết lòng nhau”, tình thân Xô – Việt hơn nửa thế kỷ chắc chắn đã đầy hơn một bát muối để làm khăng khít tình thầy trò không biên giới.

Thêm một lý do nữa, rất giản dị và chân thực: Tình thầy trò Xô – Việt là sự gặp gỡ đặc biệt giữa “văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga” và đạo lý “ơn thầy” của người Việt.

Một cô giáo người Nga áp má mình vào trán một sinh viên Việt Nam để xem "Em có còn sốt không?". Một giáo sư hơn 40 năm sau vẫn còn giữ từng trang viết tay ghi địa chỉ liên lạc của nghiên cứu sinh Việt Nam và nhớ tên tuổi từng người. Một cô giáo dạy tiếng Nga 84 tuổi nhắn qua màn hình với nhà thơ Trần Đăng Khoa: ’"Khoa ơi, hãy trở lại thăm trường. Mọi thứ nơi đây vẫn còn nguyên như khi em ở đây. Cô sẽ chưa chết cho đến khi em quay trở lại...".
10.jpg
"Bà già yêu quý" của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắn với cậu học trò rằng: "Cô sẽ chưa chết cho đến khi em quay trở lại"... Ảnh Phan Minh
9.jpg
Biết đâu, vì lời nhắn, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ quay lại trường Gorky sau 20 năm xa cách. Ảnh Phan Minh
Những cái tên Anna, Nhina, Nikolai ... đã trở thành nỗi nhớ chung của học sinh Việt về nước Nga. Họ là biểu tượng của tâm hồn Nga, tính cách Nga. Tâm hồn ấy, tính cách ấy đã làm nên điều kỳ diệu là tình thân Việt - Nga; đã nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim và nghị lực họ - những người may mắn được trải qua tuổi thanh xuân của mình ở đất nước Liên xô.

Và không chỉ thế, điều kỳ diệu đó còn có sức lan tỏa mãnh liệt tới cả những người khi chưa từng một lần được đặt chân tới đất nước của bạch dương nơi có những ngôi nhà gỗ, cỗ xe tam mã, chiếc ấm Samôva.. ( Tất nhiên không thể không kể đến công lao cầu nối của văn học Nga với những tên tuổi lừng danh thế giới như Puskin, Anton Sekhop, Lev Tolstoy là những sứ giả tiêu biểu). Tôi là một người trong số đó. Hơn nửa đời người, lần đầu tiên tới Nga, bỏ mặc tất cả những lời cảnh báo về đầu trọc Nga và sự kỳ thị, tôi đã đi qua những đường phố Moscow và Saint - Peterburg bằng nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu tiên biết về nước Nga bằng việc ngắm tranh Mùa thu vàng của Levitan. Thấy thân thuộc và yêu thương như mấy chục năm qua từng gặp nước Nga qua văn học và âm nhạc.
Những bức ảnh lưu niệm của trường Internat trong thời gian khóa học đầu tiên của các lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô. Trong ảnh giữa, người đứng cạnh Bác Hồ chính là bà Võ Hồng Anh, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Phan Minh
Những bức ảnh lưu niệm của trường Internat trong thời gian khóa học đầu tiên của các lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô. Trong ảnh giữa, người đứng cạnh Bác Hồ chính là bà Võ Hồng Anh, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Phan Minh
Trong khoảng khắc hòa vào 3000 người từng trải qua tuổi thanh xuân tại Liên xô tại buổi hội ngộ, tôi cũng đã rơi nước mắt khi chứng kiến câu chuyện thầy trò cảm động của họ. Cũng thấy ngộp thở hồi hộp khi nhà thơ Trần Đăng Khoa nhìn xuống từng hàng ghế để mong có hạt dẻ thứ 2 trong ba điều ước là nhìn thấy cô giáo già của mình bỗng dưng hiện ra, bước ra sân khấu…Khi điều kỳ diệu không xảy ra, nhiều khán giả khắp đất nước Việt đã khóc, đã mất ngủ để cầu mong có hạt dẻ thứ ba dành riêng cho cô giáo già người Nga...Biết đâu, khi ký ức 20 năm qua từng được gói gắm bị khơi dậy, ngay hôm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ tìm cách quay trở lại trường cũ ở nước Nga, thăm lại cô giáo già của mình. Nếu thế, cô giáo Nhina sẽ được toại nguyện "được gặp lại Khoa trước khi chết"…

Có những khi những lo toan thường nhật, những điều bình thường (và cả tầm thường nữa) làm chúng ta không còn tin có những giấc mơ, không còn nuôi giữ những ký ức thiêng liêng. Và vì thế, dù không phải là cựu sinh viên, học sinh Liên xô, tôi vẫn muốn nói lời cám ơn với chương trình "Thầy trò ngày gặp lại". Chỉ tiếc rằng, giá mà những người trong cuộc thực hiện chương trình này 10 năm, hoặc 20 năm trước chẳng hạn. Khi mà thầy trò tóc chưa bạc nhiều đến vậy. Khi mà ký ức không bị rơi rớt nhiều đến thế. Để có nhiều hơn những con người tin vào giấc mơ đẹp.

Lương Thị Bích Ngọc 

Trần Đăng Khoa: "Tôi sẽ trở về"

Tôi sẽ cố gắng thu xếp công việc để trở lại Matxcova thăm cô giáo của tôi trong một ngày gần nhất. Cầu mong cô luôn khỏe để tôi còn được trở về sưởi ấm trong tình yêu thương của cô...

TIN LIÊN QUAN
Bây giờ thì mọi chuyện qua rồi. Sự kiện đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn ám ảnh. Ấy là cuộc gặp gỡ “Thầy trò Xô Việt” tối 17 tháng 1 vừa rồi.
Trước đó chừng nửa tháng, tôi nhận được cú "phôn” của Kim Ngân, cô bạn học cùng khoa dự bị tiếng Nga cách đây chừng hơn hai chục năm: “Anh tham gia chương trình truyền hình trực tiếp cuộc gặp gỡ thày trò Xô Việt nhé. Có một món quà đặc biệt dành cho anh đấy. Nhưng em không nói trước được! Anh cứ đến rồi sẽ rõ!”

Tôi đã lờ mờ phỏng đoán chuyện gì sẽ diễn ra trong cuộc gặp gỡ này. Vậy mà vẫn bất ngờ, khi nhìn thấy khu trường M. Gorki tại Matxcova mà tôi đã học. Bắt đầu là khu vườn yên tĩnh. Những thân cây trần trụi. Dấu hiệu của mùa đông vừa đến và tuyết sắp rơi. Rồi bức tượng Gerxen đứng dưới gốc sồi già. Những chiếc ghế gỗ phơi đầy lá phong.

Tất cả vẫn như thế. Như lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây. Rồi cô giáo của tôi. Cô Nhina Kornhieva! Trời ơi! Cô giáo của tôi! Tôi thực sự bị sốc khi cô dùng chính những ngôn từ mà ngày xưa tôi đã âu yếm gọi cô: “Maia Mamuska”. Bà mẹ bé nhỏ của tôi! Đó chính là lời X. Exenhin gọi mẹ mình. Tôi cũng đã dùng những lời ấy để gọi cô. “Khoa ơi! Ở đây tất cả vẫn thế. Vẫn như ngày nào em học. Em hãy về thăm lại ngôi trường của chúng ta đi. Cô sẽ sống, bà già bé nhỏ này sẽ cố gắng sống để đợi em trở lại...”

Dưới hội trường, nhiều người đã bật khóc. Tôi cũng không thể kìm nổi lòng mình. Tôi nói với MC Diễm Quỳnh: “Cám ơn các bạn đã ban cho tôi một giấc mơ khi tôi vẫn đang tỉnh thức. Giấc mơ tuyệt vời này, chỉ những người có phép màu nhiệm mới tạo ra được!”

Tôi sẽ cố gắng thu xếp công việc để trở lại Matxcova thăm cô giáo của tôi trong một ngày gần nhất. Cầu mong cô luôn khỏe để tôi còn được trở về sưởi ấm trong tình yêu thương của cô.
9.jpg
Bất ngờ được hội ngộ cô giáo cũ...
10.jpg
Và "bà già yêu quý" của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắn với cậu học trò rằng: "Cô sẽ chưa chết cho đến khi em quay trở lại"... Ảnh Phan Minh
Lại nhớ những ngày thần tiên sống trên đất Nga. Thuở ấy, hầu như năm nào, cứ vào dịp Tết cổ truyền của ta là tôi lại nhận được tấm bưu thiếp của cô Nhina Kornhieva. Bưu thiếp bao giờ cũng mở đầu Trần Đăng Khoa kính mến, và rồi kết thúc cũng vẫn bằng một giọng trân trọng: Cô giáo Nhina Kornhieva luôn nhớ đến anh với lòng kính trọng sâu sắc...

Đối với người Nga, những từ mang tính xã giao như thế này thường chỉ để dành cho những bậc cao tuổi hoặc những người xa lạ mới quen biết lần đầu. Tôi là học trò của cô, lại ở lứa tuổi con cô, tôi không khỏi băn khoăn khi cô dùng những từ trang trọng đến mức xa cách như thế. Đã có lần tôi bộc bạch với cô điều ấy, cô cười: “Anh là học trò của tôi, cùng tuổi con tôi, nhưng anh lại là nhà văn, là chuyên gia văn hoá, chuyên gia chữ nghĩa. Những người như thế bao giờ cũng cần phải được kính trọng. Tôi mong anh luôn  là một nhà văn được bạn đọc kính trọng”.

Hoá ra đó lại là một bài học cô dạy cho tôi.

Tôi gặp cô Nhina Kornhieva ngay sau buổi sáng khai giảng  1/9/1987. Đó cũng là thời gian tôi bắt đầu bước vào năm học thứ nhất ở Học viện Văn học Macxim Gorki. Lớp cô chỉ có ba người. Một nhà thơ Mông Cổ. Một nhà văn kiêm nhà soạn kịch Êtiopia và tôi. Đến năm thứ hai tách ra làm ba lớp. Một thầy kèm một trò. Những buổi học với cô thường  rất thú vị. Có khi buổi học diễn ra ngay trong rạp chiếu bóng. Tôi cùng cô xem phim rồi lại cùng cô trò chuyện về bộ phim đó. Cũng có khi chúng tôi cùng đọc một cuốn tiểu thuyết rồi thầy trò lại tranh luận với nhau về một chi tiết nào đó của nhà văn.

Nhina Kornhieva là giáo viên dạy tiếng Nga, nhưng cô còn là một nhà văn hoá với sự hiểu biết sâu rộng. Chạm đến lĩnh vực nào, cô cũng biết và biết rất thấu đáo. Cứ thế, tiếng Nga ngấm vào tôi dần dần. Học như chơi mà hiệu quả lại cao.
Tôi nhớ có một lần, Nhina Kornhieva kéo tôi đi dạo phố. Cô vừa đi vừa giới thiệu những danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử của Matxcơva. Căn nhà của L.Tônxtôi. Ngôi mộ của A.Tchêkhôp. Những khu phố cổ mà A.Putxkin thường đi dạo. Có thể nói Matxcơva là thành phố bảo tàng. Nhìn đâu cũng thấy tượng đài. Tượng ở quảng trường. Tượng trong công viên, trong các ga tàu điện ngầm. Tượng sau các vòm cây. Mỗi bức tượng một dáng vẻ rất đa dạng. Nhưng có một điều rất lạ, tượng tạc những nhà cách mạng, những người anh hùng thì mái đầu thường ngẩng cao, mắt nhìn ra xa xăm, cánh tay vung cao hướng về phía chân trời. Nhà chính trị cần nhìn xa trông rộng, vươn tới những cái đích lớn. Còn tượng các nhà văn, các thi sĩ thì gương mặt thường lại nhàu nát, đau khổ, cúi gằm như đang tìm kiếm cái gì đó ở dưới mặt đất.

Đó là số phận của những kiếp người bất hạnh chăng? Tôi hỏi Nhina Kornhieva.
Cô rất ngạc nhiên: "Ồ, lần đầu tiên, cô nghe em nói như vậy đấy. Có lẽ đó là một phát hiện rất thú vị của em...".
"Không phải em phát hiện đâu. Một nhà thơ Việt Nam đã thấy như thế đấy...".
"Ừ! Đúng là như vậy thật. - Cô Nhina Kornhieva xác nhận -  Nước Nga có đến hàng triệu tượng đài. Mắt cô cũng đã trông thấy hàng vạn bức tượng. Nhưng chưa thấy bức tượng nào tạc nhà văn, nhà thơ với mái đầu ngẩng cao. Có thể đây là ý tưởng của các nhà điêu khắc Nga mà nhà thơ Việt Nam “đọc” được chăng? Họ muốn nhà văn luôn gần gũi với con người, là bạn đồng hành với con người, nhất là những kiếp người bé nhỏ và bất hạnh. Làm nhà văn, nhất là những nhà văn có tài thì đừng bao giờ mong có nhiều tiền bạc và quyền cao chức trọng. Tài đến như Đại văn hào L.Tônxtôi, giàu có đến như bá tước L.Tônxtôi mà cũng có sướng đâu. Phút cuối đời, ông chết rét trong một cái gác xép. Ông đã chết như một người hành khất. Nhà văn thường rất khổ.

Cô không tin những trang văn cứ tơn hớn lại có thể hay, cũng như không thể tin những anh chàng lúc nào cũng cười đùa toe toét lại là những người uyên thâm, sâu sắc. Những người thông minh, lịch lãm thường có chất uy-mua. Nhưng uy-mua không phải là những cái cười toe toét rẻ tiền. Điều rất đơn giản ấy, không phải  ai cũng phân biệt được."

Trước ngày tôi về phép Tết, cô Nhina Kornhieva khuân đến phòng học bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh: Phích nước, chè đen, bánh mì, xúc xích, bánh ga tô. Trông cô như một bà nội trợ vừa từ cửa hàng thực phẩm về. Buổi học ấy, chúng tôi chỉ uống chè đường, ăn bánh ngọt và nói chuyện phiếm. Nhina Kornhieva hỏi tôi về gia đình. Tôi cứ đinh ninh đó là giờ học tiếng Nga và thế là tôi bắt đầu huyên thuyên đủ mọi chuyện trên trời, dưới biển. Toàn những chuyện bịa đặt. Nói đúng ra, tôi đã “sáng tác” một thiên truyện về gia đình mình, dựa vào vốn từ tiếng Nga mà tôi có được. Nhina Kornhieva nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng, cô lại hỏi về tính cách và sở thích riêng của từng “nhân vật” trong gia đình tôi. Thế là tôi lại tiếp tục “bịa đặt” về ông nội, ông ngoại, rồi bà nội bà ngoại. Mặc dù, ông bà nội ngoại tôi đã mất từ rất lâu rồi. Có người qua đời từ khi tôi còn chưa sinh ra.

Sáng hôm sau, đến lớp, tôi rất kinh hoàng khi thấy trên bàn học của mình bày la liệt những đồ đạc, vật dụng, mà toàn là những thứ đắt tiền đã được gói buộc rất cẩn thận. Cô Nhina Kornhieva nhờ tôi chuyển quà đến từng thành viên trong đại gia đình tôi. Cái tẩu cho ông nội. Cái khăn san cho bà ngoại. Cái khăn này là khăn mà X. Exenhin đã nói đến trong bài thơ “Thư gửi mẹ”. Rồi áo choàng cho chị gái. Bức tranh Mùa thu vàng của I. Lêvitan cho em trai. Một đống tiền bạc chứ đâu có ít. Mà cô giáo tôi đâu giàu có gì. Lương cô  thấp lắm. Chỉ nhỉnh hơn gấp đôi tháng phụ cấp của tôi thôi.

Tôi muốn kêu lên: “Trời ơi, cô Nhina! Ông nội em đâu còn sống mà dùng được cái tẩu bằng bạc đắt tiền như thế kia...”. Nhưng rồi, nhìn gương mặt phúc hậu, sáng bừng rạng rỡ của cô Nhina Kornhieva, tôi lại không thể nói được gì.
Và bây giờ, ngồi nhớ lại ngày Tết năm ấy, tôi vẫn rất ân hận. Người Nga vốn chân thật cả tin. Bởi thế, có lần, tôi đã ví nụ cười của các giáo sư Xô Viết là nụ cười của đứa trẻ thơ nằm trong nôi, hay nói cách khác thì đấy là nụ cười bà Mụ dạy, hay nụ cười của người ở nước Thiên Đàng.
Nghĩa là nụ cười ở một xứ trong vắt. Không thể tìm thấy trên mặt đất bụi bặm...
Trần Đăng Khoa 
MOT VAI HINH ANH VE NUOC NGA
"Đêm thứ sáu Varvara kỷ niệm sinh nhật với thật nhiều vodka. Sáng tỉnh dậy tưởng sẽ tham gia ngày thứ bảy Cộng sản Chủ nghĩa, ngờ đâu đã là sáng thứ ba". Nguồn ảnh: báo Nga

0 nhận xét

Đăng nhận xét