Ngày xa xưa ở một thành phố bên Tàu có một ông thợ may nghèo. Ông có một con trai tên là Alađinh là một đứa con hư từ lúc nhỏ. Khi con trai lên mười và thấy mình đã già yếu, ông đem con ra tiệm cho học nghề mình mong khi ông qua đời nó có một cái nghề trong tay để nuôi thân và phụng dưỡng mẹ nó. Tuy nhiên, Alađinh không hiểu được tâm ý của cha nên học hành chểnh mãng, hễ vắng ông là hắn lẻn ra khỏi tiệm đi chơi và phá phách hàng xóm cùng với các trẻ hư hỏng khác.
Ông thợ may khốn khổ không cách nào răn dạy hoặc ngọt ngào khuyên nhủ con mình được. Ông buồn rầu quá độ nên sanh bệnh và qua đời bốn năm sau đó. Alađinh mừng vì không còn ai kềm chế mình nữa lại càng lêu lỏng chơi bời. Mẹ của hắn lúc đó đã có tuổi vẫn phải tìm cách kiếm sống và nuôi nâng thằng con hư. Bà bán hết các dụng cụ của chồng rồi mua khung dệt cũ của hàng xóm để dệt vải, cái nghề duy nhất bà biết từ khi lấy chồng, để đấp đổi sống qua ngày và nuôi con.
Alađinh không giúp gì cho mẹ, chỉ đi chơi, tới giờ cơm thì về. Ăn xong lại đi mất dạng. Mẹ hắn than thân trách phận rốt rồi cũng đành chấp nhận số phận hẩm hiu của mình. Thật là tội nghiệp cho bà. Ở cái tuổi đáng lẽ được con phụng dưỡng lại phải nai lưng làm lụng suốt ngày để kiếm vài lon gạo nuôi thân lẫn thằng con vô trách nhiệm và hư đốn. Ai trong xóm cũng nghe qua về cảnh khốn khổ của bà và sự hư hỏng của Alađinh.
Một hôm, tai họa lại giáng thêm xuống cho gia đình bà. Từ trong nội địa xứ Ma Rốc bên Phi Châu, có một gã phù thủy hung ác tên Dã Qua. Hắn rành thiên văn, địa lý và biết được một chuyện rất quan trọng nhưng cần một đứa trẻ thích hợp trong ý đồ bất chánh của hắn. Hắn rời Marốc đi khắp nơi tìm kiếm. Một ngày kia, hắn tới Bá Đa và sau khi tỉ mỉ quan sát Alađinh, hắn nói thầm, “Đây chính là đứa trẻ có đủ điều kiện trong kế họach.” Ngày hôm sau, hắn kêu một đứa bạn đang chơi chung với Alađinh tới, cho một số bánh ngọt và hỏi đủ mọi chi tiết về gia thế và hòan cảnh của Alađinh. Sau khi biết mọi thông tin, hắn bắt đầu kế họach.
Hắn tới chỗ đám trẻ kéo Alađinh ra ngòai hỏi,
- Có phải cha cháu là thợ may không?
- Dạ phải.
- Có phải cha cháu tên là Alan Hasan không?
- Dạ phải nhưng ông ấy chết lâu rồi.
Hắn vụt ôm Alađinh vào lòng và khóc lớn. Nước mắt hắn rớt từng giọt xuống mặt thằng bé. Alađinh ngạc nhiên hỏi,
- Sao ông khóc?
Hắn kể lể,
- Sao cháu có thể hỏi như vậy? Cháu vừa cho chú biết là cha cháu đã chết. Làm sao chú không khóc khi người chết đó là người anh ruột mà chú đã lặn lội đường xa về để gặp lại? Cháu ơi, ta là Dã Qua HaSan và là chú ruột của cháu đó.
Alađinh ngạc nhiên vô cùng vì chưa bao giờ nghe cha mẹ nói là mình có một người chú. Gã phù thủy Dã Qua nói tiếp,
- Cháu hãy dẫn ta tới chỗ cháu ở. Mẹ cháu vẫn còn sống chớ?
- Dạ phải, chú hãy đi theo cháu. Không xa lắm đâu.
Alađinh dẫn hắn đi một lúc thì tới trước cửa nhà. Hắn không vào và móc túi lấy ra mười đồng tiền vàng, đưa cho thằng bé, và nói,
- Cháu đem tiền nầy về cho mẹ nói là của chú giúp. Chú phải chuẩn bị đầy đủ trước khi tới thăm mẹ con cháu.
Hắn quay đi và Alađinh hớn hở chạy vội vào nhà tới thẳng chỗ mẹ đang cặm cụi dệt vải. Bà rất ngạc nhiên sao chưa tới giờ cơm mà thằng con lêu lỏng lại về nhà. Alađinh nói,
- Mẹ ơi, con vừa gặp chú Dã Qua và chú gửi cho mẹ mười đồng.
Vừa nói nó vừa đưa mẹ nó mười đồng tiền vàng. Bà hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy một số tiền lớn bằng số kiếm được trong ba bốn tháng làm việc của bà. Tuy nhiên, bà lo sợ và nói,
- Con nói thật có phải con ăn cắp tiền của ai không? Nếu vậy con phải lập tức đem trả lại cho người ta.
- Không có đâu mẹ, con gặp chú con và ổng cho mẹ số tiền nầy.
- Theo mẹ biết, con chỉ có một người chú nhưng đã chết từ lúc bốn tuổi vì té sông. Ngòai ra đâu còn người chú nào nữa.
- Con không biết gì hết, mẹ hãy hỏi chú ấy khi chú tới chào mẹ nay mai.
Trưa hôm sau trong lúc Alađinh đang chơi với nhóm bạn của nó thì Dã Qua tới kéo nó ra, đưa nó hai đồng tiền vàng và nói,
- Cháu về đưa tiền nầy cho mẹ làm cơm chiều. Chiều nay chú sẽ tới dùng cơm với mẹ con cháu.
Được tiền, mẹ của Alađinh ra chợ mua rất nhiều thịt cá rau cải, mượn nồi niêu lành lặn cùng chén dĩa tốt của hàng xóm, và làm một bữa cơm thật là thịnh sọan ngon thơm dọn ra bàn chờ quý khách. Khi xong, bà chưa kịp bảo Alađinh ra đường đón “chú” nó thì có tiếng gõ cửa. Alađinh chạy ra mở thấy ông chú trong bộ đồ hết sức sang trọng, tay xách mấy chay rượu nho đang đứng bên ngoài. Kế bên có một tên nô lệ cao lớn bưng một mâm trái cây.
Hắn vào nhà cúi đầu chào mẹ của Alađinh và rơm rớm nước mắt nói,
- Chào chị dâu, chị làm ơn chỉ cho em chỗ nào trong nhà mà anh thường ngồi.
Bà chỉ cho hắn cái ghế cạnh cửa sổ ông thường ngồi tính tóan để cắt vải. Hắn chạy tới ôm chiếc ghế khóc rống lên,
- Anh ơi, sao anh nỡ ra đi trước khi em có dịp về gặp lại anh một lần! Anh ơi là anh!
Hắn dật dã khóc mãi tới ngất xỉu ngã lăn xuống đất. Lúc đó những nỗi nghi ngờ trong lòng bà mẹ của Alađinh gần như không còn. Bà tới đỡ hắn ngồi dậy và nói,
- Chú ơi, chú có bi thương thì anh ấy cũng chết rồi. Chú nên giữ gìn sức khỏe của mình.
Dã Qua lau nước mắt nói,
- Chắc chị thắc mắc sao trước nay không biết gì về em. Bốn mươi năm trước khi anh Ba té sông chết vì nạn nước, ba má nghe lời thầy bói bảo nên cho em đi xa để tránh bị tai nạn về lửa. Để bảo tòan sinh mạng của em và tránh xui xẻo cho cả gia đình, cha mẹ cho em cho người khác và dặn không ai nói gì về em. Em được cha mẹ nuôi đưa về Ai Cập. Mười năm sau mẹ nuôi chết đi, cha nuôi dẫn em về Marốc bên Phi Châu và em sống ở đó ba chục năm qua. Nhờ theo nghề buôn bán của cha nuôi, em làm ăn ngày càng khá giả. Khi cha nuôi của em chết đi, em có tiền của dư dả, sống cuộc đời an nhàn. Một hôm em chợt nhớ quê nhà của mình, tự hỏi không lẽ suốt đời không gặp lại anh mình, và chết chôn thây ở xứ lạ hay sao. Em nghĩ cha mẹ chắc không còn, ít ra em có thể gặp lại anh Hai để nếu cần sẽ giúp đỡ anh chút ít tiền bạc. Em quyết định thu xếp mọi việc trở về quê. Lặn lội đường xa, vượt bao gian khổ, em đã về được Bá Đa. Cũng may, trong lúc lang thang khắp phố để hỏi thăm tin tức của anh Hai cách tuyệt vọng, em thấy cháu chơi đùa với bọn trẻ trên đường. Vừa thấy cháu, lòng em đã xao xuyến. Quả thật do cùng dòng máu nên mới có cảm thông đặc biệt. Hỏi ra mới biết cháu là con của anh Hai và anh đã chết. Em đau đớn vô cùng nhưng mừng là anh còn có đứa con trai. Nhìn cháu, em được an ủi như thấy chính người anh yêu kính của mình.
Nói tới đây, hắn ngừng lại thút thít khóc và kín đáo quan sát thái độ của mẹ Alađinh. Sắc mặt bà rất thành khẩn bi thương, không còn chút gì nghi ngờ đây là đứa em ruột của chồng mình. Sau đó, tất cả ngồi vào bàn ăn trong lúc tên nô lệ lo phục vụ, rót rượu, xắt trái cây bưng tới cho mọi người. Thấy sự sung túc của “em chồng” rồi nhìn hòan cảnh của gia đình mình bà ước chi Alađinh được theo học nghề của “chú.” Cùng lúc đó, Dã Qua quay qua ngó Alađinh hỏi,
- Này cháu, từ ngày ba cháu mất, cháu đã theo học nghề gì chưa để trước nuôi thân sau phụng dưỡng mẹ già?
Alađinh ấp úng không biết trả lời thế nào. Động nổi khổ tâm ấp ủ từ lâu, mẹ của Alađinh nói cách buồn chán,
- Chú ơi, tôi chưa thấy đứa trẻ nào hư đốn như nó. Cha nó chết đi không để lại chút tiền dành dụm nào cả, nó thì không chịu học nghề gì, tối ngày lêu lỏng với bọn trẻ ăn không ngồi rồi trong xóm. Tôi rầy dạy nó không được. Mỗi ngày nó chỉ vác mặt về vào giờ cơm. Tôi đã già rồi lại phải nai lưng dệt vải từ sáng sớm tới khuya lơ mới kiếm được chút tiền nuôi nó. Tuy nhiên, chúng tôi bữa đói bữa no.
Dã Qua quay qua rầy Alađinh,
- Như vậy là cháu hư thật rồi. Mẹ cháu đã lớn tuổi đáng lẽ phải được phụng dưỡng lại phải lo làm việc cực khổ để nuôi cháu. Thật là đáng xấu hổ đó cháu!
Alađinh chỉ ngó xuống đất không biết trả lời ra sao. Mẹ của nó dụi hai con mắt đỏ hoe tự thương cho số phận hẩm hiu của mình. Dã Qua ngó Alađinh hỏi,
- Tại sao cháu không học nghề may của cha?
- Cháu không có khiếu may vá.
- Cháu có nghĩ tới việc đi làm mướn nuôi mẹ cháu không?
- Cháu ốm yếu không thể làm việc nặng.
- Vậy chớ cháu làm gì được? Không lẽ ở không thì làm sao sống. Một may mẹ cháu qua đời thì ai nuôi cháu đây?
Alađinh ấp úng,
- Cháu muốn theo chú học nghề buôn bán.
Dã Qua nghĩ thầm, “Cá đã cắn câu rồi!” Tuy nhiên, hắn làm tỉnh, ngó bà mẹ của Alađinh. Bà hiểu ý. Thật ra, bà cũng muốn vậy nhưng chưa dám nói ra. Được dịp, bà hỏi,
- Chú có thể giúp cháu nó không?
- Em rất sẵn sàng nhưng . . .
Hắn quay qua hỏi Alađinh,
- cháu có chịu xa nhà theo chú học nghề và tuyệt đối nghe lời chú không?
- Cháu chịu, cháu chịu mà!
- Vậy thì ngày mai chú sẽ tới dẫn cháu đi sắm sửa quần áo cho ra vẻ người buôn bán rồi đem cháu giới thiệu với các bạn thương gia của chú ở kinh thành Bá Đa nầy.
(Tóm lược kỳ trước: Gã phù thủy Dã Qua đã làm mẹ con Alađinh tin tưởng hắn là người thân và bắt đầu mưu đồ bất chánh của hắn).
Sáng hôm sau, Dã Qua tới mang tới một số quà tặng cho mẹ Alađinh và dẫn chú bé nầy ra chợ. Hắn đưa chú bé tới một tiệm may sang trọng danh tiếng của Bá Đa và sắm cho chú ba bộ đồ đẹp dành cho những nhà buôn bán lớn. Buổi chiều, hai người đi vào kinh thành gặp những thương gia nổi tiếng chuyên tới lui các thành phố lớn trên mọi xứ để buôn bán.
Dã Qua nói là Alađinh phải biết những doanh gia nầy và phải thích ứng sớm với lối sống của những người sang cả. Rồi họ ghé vào các nhà hàng sang trọng ăn tòan cao lương mỹ vị. Alađinh như ngộp thở trong ước mơ giàu sang và nếp sống thượng lưu. Nó nghĩ một ngày nào đó chính nó sẽ sống một cuộc đời giàu sang sung túc như thế.
Tối đó thấy con ăn mặc đẹp như một thương gia chững chạc vui vẻ về nhà, mẹ của chú bé hòan tòan tin tưởng ông em chồng hờ đó. Bà lại thấy Alađinh ngây ngất trong vui sướng nên cũng thấy vui lây. Dã Qua dặn Alađinh đi ngủ sớm để ngày mai hắn tới đưa đi một chỗ kỳ thú ít có trong đời.
Alađinh trằn trọc suốt đêm chỉ mong sao trời mau sáng để được đi tới chỗ chú mình hứa. Hôm sau Dã Qua tới rất sớm đã thấy Alađinh chờ sẵn ở cửa.
Hai người từ giã mẹ của chú bé và lên đường. Họ đi tới trưa thì qua tới phía bên kia của kinh thành. Alađinh thấy mệt cứ hỏi chừng nào tới chỗ. Dã Qua nói gần tới rồi nhưng đi tới đứng bóng mà chẳng thấy gì mới lạ. Kinh thành ngày càng xa phía sau lưng, đường đi ngày càng sâu vào núi cao, đồi trọc. Alađinh năn nỉ,
- Chú ơi, cháu mệt quá rồi, phải ngồi nghỉ một chút.
Vẻ mặt khó chịu, Dã Qua nói,
- Sao cháu hư quá vậy. Phải mau lên chớ khi tới nơi thì không kịp giờ linh.
- Tại sao lại phải kịp giờ linh?
- Sao cháu hỏi nhiều quá vậy? Thôi nghỉ thì nghỉ, nhưng không thể nghỉ lâu.
Alađinh ngạc nhiên sao đột nhiên ông chú hết còn vui vẻ dễ thương như trước. Tuy nhiên, thấy vẻ bực mình của ông, nó không dám hỏi thêm, đành lủi thủi tới ngồi lên tảng đá bên đường, vẻ mặt buồn so. Sợ thằng bé nghi ngờ, Dã Qua mới dịu giọng dỗ ngọt nó,
- Tại chú lo cho cháu nên mới gắt gỏng với cháu đó.Thôi để chú nói cho cháu biết thêm. Thật ra chỗ mình tới không phải là cảnh đẹp gì nhưng tốt gắp trăm ngàn lần cảnh đẹp cháu tưởng tượng trong đầu. Có phải cháu muốn kiếm tiền thật nhiều để sống sung sướng và nuôi mẹ phải không? Nếu cháu kiên nhẫn tới nơi, nghe lời chú trong mọi chuyện thì cháu sẽ là người giàu có nhứt đời nầy, giàu hơn cả vua chúa nữa.
- Chỗ nào mà tốt dữ vậy chú? Có phải là một kho tàng lớn nào đó không?
- Kho tàng mà nhầm nhò gì! Cái mình sẽ có được còn quý hơn mọi kho tàng xưa nay cộng lại nữa.
Alađinh thấy động lòng nên vui mừng nói,
- Cháu hết mệt rồi. Mình nên đi nhanh lên cho tới chỗ kịp giờ linh đi chú.
Dã Qua cười,
- Vậy mới đúng là cháu trai cưng của chú. Không bao lâu nữa mình tới rồi.
Ca hai cùng lầm lũi đi nhanh hơn trước. Tới xế chiều, con đường núi dẫn lên cao hơn, hai bên đồi trọc lớn nhỏ trùng trùng. Khi lên tới chỗ cao nhứt thấy có một khỏang đất trống dưới chân một ngọn đồi cao bên tay mặt, Dã Qua nói,
- Tới rồi.
- Ở đây sao?
- Ừ, ở đây. Bắt đầu từ bây giờ, cháu phải tuyệt đối nghe theo lời chú dặn nghe không?
- Dạ.
Dã Qua sai Alađinh kiếm một mớ nhánh cây khô đem lại. Hắn ngắm nghía, tính tóan một hồi rồi chọn một chỗ cạnh chân đồi, gom nhánh cây khô lại thành một đống nhỏ. Hắn lấy trong mình ra một chai thuốc bột màu đỏ rắc lên đống nhánh khô, và móc trong mình ra ba cây nhang. Hắn quơ ba cây nhang, niệm lầm thầm những câu gì Alađinh không nghe rõ, hét lên một tiếng lớn, và thổi vào mấy cây nhang. Nhang cháy, hắn châm nhang vào đống nhánh khô, lửa phừng cháy lên. Bổng có tiếng nổ lớn làm đất chỗ đống lửa vụt nứt ra để lộ một nấp hầm đá chữ nhật có một vòng sắt làm chỗ nắm.
Từ lúc Dã Qua hét lớn, Alađinh đã sợ, rồi liên tiếp những chuyện lạ xãy làm chú bé kinh hòang, vội đứng lên định chạy ra xa.
Dã Qua đột nhiên giận dữ đưa tay đập mạnh vào lưng thằng bé làm nó té sắp xuống đất khô. Đau quá, Alađinh lồm cồm ngồi dậy đưa tay rờ lưng nói,
- Sao chú đánh mạnh tay làm cháu đau quá.
Dã Qua nạt đùa,
- Ngươi còn cằn nhằn. Đã bảo phải tuyệt đối nghe tời ta mà.
Alađinh chợt nhận ra người chú đã đổi cách xưng hô. Nhìn vẻ mặt hung dữ của ông ta, nó đứng yên có vẻ e ngại. Dã Qua sợ thằng bé bỏ chạy thì hỏng việc đã công phu sắp đặt, nên dịu giọng,
- Chú có hơi nặng tay vì sợ cháu mất cơ hội làm giàu. Cháu biết không, dưới kia có những món quý giá nhất thế gian nầy mà chỉ có cháu mới lấy được thôi. Cháu hãy ngoan ngõan nghe lời chú và làm đúng theo lời chú nói thì cháu sẽ lấy được những vật quý đó.
Nghe bùi tai, Alađinh hơi bớt tức. Dã Qua lại nói,
- Cháu hãy tới nắm khoen sắt của miệng hầm kéo lên để mở nấp hầm đi.
- Chú ơi, nấp hầm lớn và hình như nặng lắm, chú phụ với cháu mở lên có được không?
- Không được đâu, chú mà đụng vào thì đất liền lại ngay. Nhưng cháu thì khác. Cháu chỉ cần vái tên ba cháu và kéo khoen sắt lên thì mở miệng hầm được ngay.
- Sao kỳ vậy chú?
- Cháu sao hỏi lôi thôi quá. Cha cháu là người thật thà, không tham lam, lại hòa nhã với mọi người. Còn cháu thì hiểu mau và nhớ dai. Do đó hai cha con cháu hợp lại mới mở được hầm báu vật duy nhất của thế gian nầy. Thôi cháu làm thử thì biết ngay.
Alađinh bước tới, miệng vái cha phò hộ, và đưa tay kéo vòng sắt lên. Quả nhiên, nắp hầm được kéo lên cách nhẹ nhàng. Alađinh ngạc nhiên thấy có nhiều bậc đá dẫn sâu xuống dưới trong khi Dã Qua lộ vẻ vui mừng ra mặt. Hắn nói,
- Cháu hãy nghe thật kỹ và làm đúng lời chú dặn đây. Cháu hãy đi xuống chín bậc thang bằng đá nầy. Sau đó, cháu sẽ thấy một hành lang dài đi xuyên qua sáu căn phòng phía dưới. Ở căn phòng thứ nhất, cháu sẽ thấy ánh sáng chói chang đẹp đẽ rực rỡ . Cảnh trí còn đẹp hơn trong hòang cung, vàng bạc chất từng đống, xuyên qua cửa sổ xa xa thấy nhà cửa dinh thụ đẹp vô ngần. Cháu phải dửng dưng với những thứ đó và tự nhủ, “Đó chỉ là cảnh trong chiêm bao. Ta biết đó là chiêm bao.” Cháu nên thản nhiên đi qua phòng thứ nhì. Ở đây, cháu sẽ nghe từ trên trời vang tới những âm thanh êm dịu, quyến rũ lạ thường. Cháu cũng phải dửng dưng với các âm thanh kỳ diệu đó và tự nhủ, “Đó là âm điệu trong chiêm bao, ta không mắc lừa đâu.” Cứ tiếp tục như vậy còn bốn phòng nữa: phòng có mùi hương kỳ diệu, phòng có những đồ ăn thức uống ngon tận tâm can, phòng có gió thỏang khiến cháu có cảm giác êm ái nhẹ nhàng như lạc lên cảnh thiên thai, và phòng làm cháu có ảo tưởng như có thể bước lên cỡi mây bay được mọi nơi. Cháu cũng phải luôn luôn dửng dưng với các quyến rũ đó và tự nhủ tất cả những thứ đó chỉ là trong chiêm bao.
- Có phải thật sự các thứ đó là chiêm bao?
Dã Qua ra dấu cho Alađinh im lặng lắng nghe hắn dặn tiếp,
- Nếu cháu không tin các thứ đó là chiêm bao, lập tức cháu sẽ bị nhốt vào một trong các phòng đó đời đời không thóat ra được để về gặp mẹ, và sẽ bị đau khổ triền miên. Nếu cháu tin chắc chúng chỉ là chiêm bao, cháu sẽ đi suốt qua các phòng đó dễ dàng và nhận được phần thưởng kỳ diệu.
- ?
(Tóm lược kỳ trước: Gã phù thủy Dã Qua làm phép mở cửa hang bí mật trên đỉnh núi cao và dặn dò Alađinh trước khi chú bé nầy đi xuống đó).
Trong lúc Alađinh còn chưa biết phần thưởng kỳ diệu đó là cái gì thì gã phù thủy nói tiếp,
- Qua khỏi các phòng quyến rũ đó, cháu sẽ đi vào một vườn cây trái đủ màu, lấp lánh chiếu trên mỗi cây. Cháu không nên dừng lại ngắm nghía vội mà hãy đi xuyên qua vườn cây. Cháu sẽ tới một cái đài cao, phải qua chín nấc bằng đá mới lên được đỉnh đài. Trên đó cháu sẽ thấy một cái bàn cao và có một cây đèn dầu cháy leo lét. Đó chính là vật cháu cần lấy.
Đừng sợ gì cả, cháu cứ thổi tắt ngọn đèn, trút dầu trong đèn ra, và nhanh chân đem đèn lên cho chú. Đừng sợ dầu trong đèn sẽ làm dơ quần áo cháu vì khi trút ra, dầu sẽ hóa thành hơi bay đi chỗ khác. Chú chỉ cần cây đèn cũ đó, phần cháu thì khi xuống đài đi ngược trở lại, cháu sẽ thấy vườn cây biến đổi cách kỳ diệu. Các trái cây là thứ cháu sẽ thích và hái bao nhiêu cũng được.
Alađinh nói thầm, “Như vậy thì có gì làm cho mình giàu hơn các vua chúa, có gì mà nói là quý báu hơn các kho tàng cộng lại?” Tuy thắc mắc nhưng nó không dám hỏi và dợm bước xuống hang. Đột nhiên, Dã Qua nói, “Khoan đã!” và cỡi chiếc nhẫn bạc đang đeo đưa cho Alađinh nói,
- Để hộ thân, cháu hãy đeo chiếc nhẫn nầy vào tay.
Alađinh lấy nhẫn đeo vào ngón tay cái và bước xuống bậc thang đá. Dã Qua vẫn cầm ba cây nhang đang cháy, đứng trên miệng hang theo dõi thằng bé, và hồi hộp chờ.
Alađinh bước từng nấc thang đi xuống. Lúc đầu thấy hơi tối nhưng sau vài bước mắt nó đã quen và dường như phía dưới có ánh sáng nhiều hơn nên nó lần lần thấy rõ cảnh vật. Vừa xuống hết bậc thang thứ chín, nó đã ở trong phòng đầu tiên. Ánh sáng chan hòa như ban ngày. Đúng như dự liệu, trong phòng chất đầy nhiều rương đang mở nắp chứa vàng bạc, tiền vàng, và nữ trang quý giá. Phòng tuy không lớn nhưng xuyên qua mấy cửa sổ nó thấy vô số tòa lâu đài xa gần, kiến trúc tuyệt xảo chưa từng thấy ở thế gian. Ánh sáng bên ngòai khi lung linh khi chiếu sáng rực rỡ muôn màu. Với tánh tò mò trẻ con, nó rất muốn trèo qua cửa sổ để thưởng thức cảnh tráng lệ huy hòang. Tuy nhiên nhớ lời dặn, nó nói thầm, “Đừng, đừng! Đây chỉ là chiêm bao, đừng để bị hoa mắt mà mắc lừa.” Nó dửng dưng băng qua phòng thứ nhất, bước tới phòng thứ hai. Chợt nghe tiếng đàn sáo du dương như nhạc trời từ cao vọng xuống. Âm điệu mê hồn làm lòng người như rủn ra, say sưa theo âm thanh. Nếu không có lời cảnh cáo của “chú” nó, có lẽ nó ngồi phệt xuống đó mà thưởng thức cho thỏa thích lỗ tai. Một lần nữa, nó cương quyết tự nhủ, “Không nên, muôn vàn không nên! Đây chỉ là một giấc chiêm bao, đừng để âm điệu bùi tay làm mình mắc bẫy.”
Nó nhanh chân bước qua phòng thứ ba, bổng một mùi thơm tuyệt diệu thỏang tới làm nó như ngất ngây. Mùi thỏang thỏang quyến rũ kinh hồn như mùi thơm của cao lương mỹ vị, như mùi thơm thanh cao của cảnh trời mà nó chỉ thấy trong chiêm bao. Nghĩ tới đây nó giựt mình tự nhủ, “Thì đây chính là chiêm bao! Ta xém bị mắc lừa. May quá, không thì bị nhốt trong phòng nầy đời đời kiếp kiếp không được về gặp lại mẹ!” Nó như bừng tỉnh bước qua phòng kế. Ở đây có một bàn tiệc dọn đủ món ăn như cho vua ăn, có thức uống rót sẵn ra ly. Khát quá, nó nếm thử chút nước uống. Ôi thôi! cả người lâng lâng sảng khóai, dợm chụp ly lên uống cạn. Bổng thấy căn phòng chuyển động, sắp tối lại, và cánh cửa chực đóng kín. Alađinh hỏang vía buông ly xuống, mọi vật sáng sủa bình thường trở lại. Sợ mình đổi ý mà bị mắc lừa, nó vội bước qua phòng bên. Ở đây cái quyến rũ kinh hồn như mơn trớn làn da làm nó thấy lâng lâng khóai cảm. Nó vội tự nhủ, “Đây cũng là chiêm bao và là một cạm bẩy” và nó cũng thóat khỏi. Phòng cuối cùng khiến nó có tư tưởng hảo huyền lung tung nhưng quyến rũ gấp mấy lần các căn phòng trước. May thay, nó đủ trí nhớ và nghị lực đã vượt qua được.
Sau đó, Alađinh tới vườn cây trái đủ màu, lấp lánh chiếu khắp nơi. Nó nhanh chân băng qua và đi tới chân một đài cao, có chín nấc thang đá dẫn lên đúng như lời người chú đã nói. Trên đỉnh cao có ánh đèn lung linh chiếu, ánh sáng bập bùng huyền bí. Nó lên các bậc thang đá và đi tới cái bàn nhỏ, ngó xung quanh không thấy gì là, và thò tay bưng cây đèn dầu lên quan sát. Cây đèn cũ kỹ không đáng một xu. Nó thắc mắc sao ông chú của nó lại muốn cây đèn vô giá trị như vậy. Tuy nhiên, theo lời dặn, nó thổi tắt đèn và trút ngược xuống cho dầu chảy ra. Nó sợ dầu làm dơ bộ đồ đẹp mới may của nó nên vội né người qua một bên. Tuy nhiên, dầu vừa chảy ra đã hóa thành đám hơi bột trắng xóa bay lên cao mất dạng. Lúc đó nó mới nhớ lại ông chú dặn đừng sợ điều đó.
Alađinh nhét đèn vào túi quần và thư thả bước xuống bậc thang chín nấc. Bây giờ nó thấy yên tâm không còn sợ nguy hiểm gì nữa. Ra tới vườn cây, chợt thấy cảnh đổi lạ hơn lúc vào. Cây lá vẫn xanh tươi nhưng các trái thuộc nhiều lọai màu như chiếu sáng hơn. Tới gần một trái hoằng xuống đất, nó ngạc nhiên nhận ra trái cây rất cứng, không thế nào cắn ăn được. Nhìn khắp nơi, nó nhận ra các trái cây thật ra là những viên đá, mỗi trái có màu khác nhau: xanh, đỏ, vàng, trắng, hồng.
Nó đâu biết đó là những viên ngọc quý giá tuyệt đời. Các trái hồng là hồng ngọc, trái xanh là bích ngọc, trái vàng là hùynh ngọc, trái đỏ là xích ngọc, và trái trắng là hột xòan trong suốt chiếu sáng long lanh. Trái nào cũng lớn như một trứng gà. Bởi vậy Dã Qua mới nói kho tàng nầy còn hơn hẳn kho tàng của vua chúa. Dầu cho một nhà vua gom hết tài sản của mình lại bất quá giá trị chỉ bằng các viên ngọc trên một nhánh cây ở đây thôi. Ở đây là cả một vườn gồm các lọai ngọc rất lớn và đủ màu!
Có điều Alađinh không biết giá trị của các viên ngọc này vì nhà nghèo, cả cha mẹ nó cả đời chưa thấy được một viên ngọc nhỏ bằng đầu đủa thì làm sao nó biết được giá trị vô song của vườn ngọc nầy!
Thấy “đá” đẹp có thể đem về để bắn cu li với mấy thằng bạn, nó hái rất nhiều bỏ đầy túi áo, túi quần, đè lên cây đèn trong túi quần bên mặt. Đã vậy hai tay nó còn cầm thêm ba bốn trái nữa. Vì vậy nên mới có chuyện.
Khi nó leo lên các bậc thang đá đầu tiên để gặp ông “chú” hờ của nó, Dã Qua hỏi dồn,
- Lấy được cây đèn không?
- Dạ được rồi.
- Đưa đây.
- Chú kéo cháu lên, cháu mới đưa cho chú được.
- Mau lên, đưa cây đèn trước. Chú sẽ kéo cháu lên sau.
- Chú ơi, không được đâu, cháu phải lên trước mới đưa cây đèn cho chú được.
Alađinh muốn nói là hai tay nó kẹt cầm mấy “hòn đá” nên không thể móc cây đèn trong túi đưa cho chú nó được. Nó phải lên trước, bỏ “đá” xuống mới rảnh tay móc cây đèn cho ông ta. Tuy nhiên, Dã Qua nghĩ thằng bé muốn làm khó dễ hắn để thóat ra trước. Gã phù thủy nổi giận nạt lớn,
- Thằng mất dại, không chịu đưa cây đèn trước hả?
Alađinh hết sức ngạc nhiện về sự giận dữ của ông “chú” của mình, định phân trần thêm thì gã phù thủy sợ lằn nhằn rủi có ai tới thì lộ chuyện nên hắn lập tức thổi tắt ba cây nhang đang cầm trên tay. Có tiếng nổ ầm ầm, mặt đất rung chuyển, và miệng hầm khít lại như cũ. Hắn tức giận bỏ đi, định bụng sẽ chờ cơ hội khác.
Thực ra, câu chuyện như thế nầy.
Vốn là một phù thủy, hắn nghiên cứu sách vở huyền bí của các thầy của hắn và biết được ở vùng nầy có một cây đèn thần quyền lực vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, với tâm tánh độc ác, hắn không thế nào kéo khoen sắt mở miệng hầm được. Do đọc sách, hắn biết là phải tìm người không tham lam, tính tình hòa nhã và có ý thức là mọi quyến rũ trên đời đều như chiêm bao mới có thể mở được hầm bí mật và vượt qua mọi cạm bẫy để tới chỗ lấy cây đèn được. Người như vậy không dễ tìm. Nhưng hắn lại khéo phối hợp cha con Alađinh để mưu đồ mục đích của hắn. Cha của Alađinh thì không tham lam lại hòa nhã, còn Alađinh thì còn dễ uốn nắn để dạy là mọi cảnh quyến rũ trên đời chỉ là như trong chiêm bao mà thôi. Hắn không ngờ sau khi Alađinh học được ý niệm “mọi cảnh là chiêm bao”, chẳng những khiến nó có thể lấy được cây đèn cho hắn mà còn có cơ duyên hưởng được những may mắn bất ngờ.
(Tóm lược kỳ trước: Không tiện đưa cây đèn cho gã phù thủy trước, Alađinh bị gã nầy đóng cửa hầm nhốt ở dưới hang bí mật).
Gã phù thủy đã bỏ về Phi Châu sau khi đóng cửa hầm định chôn sống Alađinh ở dưới. Khi cửa hầm đóng sầm lại, xung quanh tối đen, Alađinh vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi tột độ. Nó ngạc nhiên sao chú nó lại hung hăng với nó cách đột ngột và sao lại nhẫn tâm nhốt nó dưới hầm sâu như vậy. Nó lại sợ hãi vì dưới hầm tối đen, ghê rợn, và đường lên duy nhất đã bị đóng kín.
Nghĩ người chú chỉ dọa nó để nó nghe lời. Alađinh liền nói lớn lên,
- Chú ơi, cháu sẽ bỏ đồ trên tay để móc túi đưa cây đèn cho chú ngay. Chú mở cửa ra cho cháu lên đi chú.
Không có tiếng trả lời. Nó nghĩ chú của nó còn đang giận nên năn nỉ tiếp,
- Chú đừng giận cháu nữa. Cháu hứa từ nay luôn luôn nghe lời chú.
Nó im lặng lắng tai nghe. Tuyệt nhiên im lặng. Gã phù thủy đã đi xa lắm rồi, còn ai để trả lời thằng bé. Thật ra hắn đã có ý nhốt nó dưới hầm sâu tới chết sau khi lấy được cây đèn để giữ được bí mật trọng đại. Cây đèn bằng đồng củ kỹ nầy là báu vật bậc nhất trong thiên hạ. Hắn không muốn ai biết được điều bí mật nầy nên phải chôn thằng bé dưới hầm mới giữ kín được. Mẹ nó là người quê mùa thật thà, tin tưởng hắn đã đem thằng nhỏ đi xa để học nghề buôn bán. Thật là một kế họach vẹn tòan. Tuy nhiên, không ngờ giờ chót lại có chút trở ngại. Hắn đành phải kết thúc kế họach và về Phi Châu để nghĩ cách khác lấy cây đèn.
Chờ dưới hầm tối một thời gian khá lâu, Alađinh bắt đầu lo sợ. Không lẽ chú của nó nhẫn tâm bỏ nó dưới hầm và đi về rồi? Càng lúc cái ý nghĩ hãi hùng đó càng được xác nhận. Trong tuyệt vọng, nó vụt khóc lớn lên một hồi lâu. Nhưng có ai nghe được đâu! Khóc đã rồi, nó mệt mõi ngủ một giấc rất lâu. Chừng giựt mình tỉnh giấc, nhớ lại hòan cảnh bi đát của mình, nó lại khóc nữa. Đến khi tin chắc là cửa hầm sẽ không bao giờ mở lại, nó nghĩ tới chuyện đi trở xuống các nấc thang bằng đá xem có đường nào khác để ra ngòai không.
Tuy nhiên, hầm quá tối nó không thấy gì cả đành phải quờ quạng dưới chân để định hướng. Một “hòn đá” trên tay nó bị rớt, nó vội chồm theo chụp mạnh nhưng hụt tay và quờ quạng lung tung. Chiếc nhẫn trên ngón tay trỏ của nó bị chạm mạnh vào đá, vụt lóe sáng lên làm nó hoa mắt thảng thốt. Có một tiếng nổ nhẹ như trời gầm ở phương xa, tiếp theo là một ông thần mặt trắng, mình bằng bạc hiện ra, và quỳ trước mặt nó nói,
- Tôi là thần nhẫn, sẵn sàng nghe theo lời sai khiến của chủ nhân.
Ông ta im lặng chờ. Alađinh giựt mình vì chuyện bất ngờ. Nó lại nghĩ, “chẳng lẽ lại có thần linh cho người ta sai khiến như lời mấy người lớn kể chuyện?” Trong lúc nó ngẩn ngơ, vị thần lập lại,
- Tôi là thần nhẫn, sẵn sàng nghe theo lời sai khiến của chủ nhân.
Alađinh nói như để phân trần,
- Sai khiến à? Ta không có gì sai khiến cả, chỉ muốn được ra khỏi hầm nầy.
- Dạ!
Sau tiếng “Dạ” lớn, vị thần biến mất. Lập tức Alađinh thấy tối sầm, tai nghe tiếng ù ù, cảm thấy như cả người mình bị nhấc bổng lên, và lộn đi mấy vòng. Trong một thóang, nó thấy mình đang đứng trên đồi cao, chỗ còn mấy nhánh cây khô cháy dở của đống lửa Dã Qua đã đốt. Nó mừng rỡ đến nổi nhảy tưng lên mấy bận. Vị thần nhẫn nầy có phép cứu nó ra khỏi hầm dễ dàng và còn làm được nhiều chuyện khác nữa. Nhưng so với thần đèn thì phép tắc của vị thần sau thật vô biên khôn lường được.
Trong mình Alađinh còn nhiều “hòn đá” đẹp đẽ và rực rỡ đủ màu. Nó cũng cảm thấy cây đèn củ kỹ còn nằm trong túi quần của nó. Nó tức ông chú của nó lắm và nghĩ dù có gặp lại, nó nhất định sẽ không đưa cho người “chú” tâm tính bất thường và ác độc kia. Lúc đó mặt trời sắp lặn, đường đồi trên cao vắng vẻ tĩnh mịch lắm. Nó vội vàng theo đường cũ chạy về nhà.
Tối đó, mẹ nó ngồi bên khung dệt nghĩ từ nay thằng con sẽ nên thân đi học một cái nghề sang trọng và có thể chẳng những nuôi được thân mà cò có cơ giàu sang như người em chồng đã lưu lạc nhiều năm. Lúc nó về tới nhà thì trời đã tối hẳn. Nó vừa thở hào hển vừa kể lại mọi chuyện và nói chưa thấy ông chú nào độc ác như vậy. Mẹ nó ngạc nhiên sao nó trở về. Khi nghe rõ mọi chuyện bà rất mừng thằng con đã thóat chết và hết sức ân hận đã nhẹ dạ tin lầm người độc ác.
Mộng tưởng tương lai tiêu tan, bà lại tiếp tục làm việc cực khổ để nuôi sống hai mẹ con. Đã ăn năn, Alađinh cũng muốn giúp mẹ đỡ cực nhọc nhưng chưa biết phải làm gì. Vài ngày sau, mẹ nó bịnh không dệt vải mướn được, và gạo trong nhà đã hết. Hai mẹ con thật lo lắng cho những ngày sắp tới. Alađinh chợt nhớ tới cây đèn cũ bằng đồng. Nó nghĩ nếu đem đèn ra chợ bán đồ cũ thì có lẽ cũng được một ít xu tiền. Các “hòn đá” thì nó chất đống trong xó nhà, định bụng khi có dịp thì xách ra khoe với mấy đưa bạn. Lúc trời vừa tối, nó lấy đèn đưa cho mẹ nói ngày mai đem ra chợ bán thử.
Bà cầm cây đèn ngắm nghía rồi nói,
- Cây đèn đóng bụi nầy sẽ bị trả giá rẽ, để mẹ đem chùi cho sáng lên sẽ bán được nhiều tiền hơn.
Lúc đó trời vừa chạng vạng tối. Bà cầm cây đèn ra sân lấy một nắm trấu ướt cạnh sàn nước . . . chà mạnh vào cây đèn. Bổng có tiếng nổ ầm thật lớn, cây đèn . . . tóe ra ánh sáng rực cả sân nhà. Một ông thần cao lớn đen thui hiện ra trước mặt bà, khoanh tay nói rổn rảng,
- Ta là thần đèn quyền năng vô biên. Chủ nhân cần gì cứ sai bảo.
Bà sợ quá té xuống sân chết giấc. Nghe tiếng nổ lớn và thấy ánh sáng chói lòa ngòai sân, Alađinh lật đật chạy ra thấy thần đèn đen thui cao gấp mấy lần thần nhẫn đã cứu mạng nó. Ông thần lập lại câu nói. Đã quen với cảnh đó, nó mạnh dạn bước tới nói lớn,
- Mẹ con ta đang đói, thần hãy dọn một bữa cơm ngon cho hai người ăn đi.
Thần “Dạ” lớn một tiếng rồi biến mất. Sau đó Aladinh đỡ mẹ vào nhà.
Vừa bước vào đã thấy trên bàn có tấm khăn lớn xanh nhạt bằng lụa thêu hình phượng hòang đã trải sẵn. Liền sau đó nghe tiếng leng keng thì thấy sáu dĩa bằng bạc rất lớn hiện ra và đồ ăn lần lượt hiện ra trong từng dĩa: gà quay còn bốc khói chín vàng bay mùi thơm phức, tôm hùm xào cải xanh, có nước sốt màu đen óng ánh làm chảy nước miếng, v. v. Món nào cũng là tuyệt xảo, tuyệt ngon, giống hệt như cho vua dùng. Kế đến lại nghe leng keng rồi hai cái chén nạm vàng và hai đôi đủa ngọc hiện ra. Rồi rượu vang đỏ, rồi nước trái cây trong hai bình thủy tinh hiện ra bên cạnh cũng có hai cái ly thủy tinh trong suốt.
Aladinh vừa quan sát vừa đỡ mẹ nằm lên giường. Sau đó bà tỉnh lại, vẻ mặt còn hốt hỏang nói, “Có quỷ, có quỷ!” Alađinh nói,
- Không phải quỷ đâu mẹ. Đó là thần linh giúp mình có cơm ăn rồi.
Bà nhìn theo tay Alađinh chỉ vào bàn ăn, trố mắt ngạc nhiên khi thấy bàn ăn quá long trọng ngay trong nhà mình. Bà hỏi,
- Ở đâu mà có đồ ăn vậy con?
- Mẹ yên tâm. Thần linh dọn cho mình đó, qua ăn đi mẹ.
Nó đỡ mẹ qua bàn ăn. Đói quá mà gặp đồ ngon, hai mẹ con không chần chờ nữa, ngồi vào ăn một bữa ngon nhất trong đời. Ôi, thật là sung sướng! Ăn xong, bà mẹ xớt đồ ăn dư dả cất lại trong các nồi dĩa sờn mẻ trong nhà, rửa các dĩa chén và đủa cực quý đó đem cất vào tủ. Đồ ăn còn lại giúp mẹ con no đủ được vài ngày nữa rồi cũng hết. Hai mẹ con lại đói nữa. Alađinh đề nghị với mẹ để nó đem một dĩa bạc ra chợ bán cho ông chủ tiệm cầm đồ. Bà đồng ý, nó hớn hở gói dĩa bạc vào khăn vải đem ra chợ tới tiệm ông chủ cầm đồ người Do Thái. Thấy dĩa bạc, ông rúng động trong lòng vì món đồ quý ngòai sức tưởng nghĩ của ông. Lại thấy do thằng bé lêu lỏng ngòai đường trước nay đem tới, ông làm tỉnh hỏi,
- Cháu đem cầm dĩa bạc này cho ai vậy?
- Không đâu bác, cháu muốn bán cho bác.
- Bao nhiêu?
- Bác biết giá trị đồ vật, bác cho giá đi.
- Dĩa nầy cũng tốt nhưng ít ai chịu mua đâu. Ta trả cho cháu mười lăm đồng tiền vàng, chịu không?
Ông cố ý nói giá thật thấp để thằng bé kỳ kèo thì lên giá chút đỉnh cho nó. Nào ngờ Alađinh mừng rỡ vì số tiền quá lớn so với dự tính của nó nên nói,
- Cũng được.
Ông chủ tiệm mừng húm lật đật đếm đủ mười lăm đồng đưa cho Alađinh. Nó vui mừng cầm tiền chạy về nhà trong khi ông chủ được một vụ giao dịch lời quá lớn liền đóng cửa tiệm nghỉ sớm ngày hôm đó.
(Tóm lược kỳ trước: Cần tiền để sống qua ngày, Alađanh đem bán một dĩa bằng bạc lớn và quý cho ông chủ tiệm cầm đồ người Do Thái với giá rẻ mạt).
Trên đường về nó ghé chợ mua rất nhiều đồ ăn đem về nhà và đưa phần tiền còn lại cho mẹ. Hai mẹ con rất vui mừng ăn uống một bữa thỏa thuê. Sau đó bà mua sắm nhiều thứ cần thiết trong nhà như quần áo, chén dĩa, nồi niêu, và bàn ghế nên số tiền cũng hết rất mau. Alađanh lại đem một dĩa bạc khác ra bán cho ông chủ tiệm cầm đồ người Do Thái với giá mười lăm đồng tiền vàng nữa.
Cứ như thế, hai mẹ con sống một cuộc sống khá yên ổn được một năm nữa và đã bán tới cái dĩa bạc cuối cùng. Hết tiền xài, Alađanh nói phải nhờ tới thần đèn nữa. Bà mẹ vội vàng tránh mặt vì rất sợ thấy mặt ông thần. Alađanh lấy tay chà mạnh vào đèn. Như lần trước, có một tiếng nổ “Ầm!” thật lớn, ánh sáng lóe ra khắp nhà, và một vị thần to lớn đen đúa hiện ra. Ông khoanh tay nói, “Ta là thần đèn quyền lực vô biên. Chủ nhân cần gì cứ sai bảo.” Alađanh nói, “Thần hãy dọn cho mẹ con ta một bữa ăn như lần trước.”
Sau một tiếng “Dạ!” lớn thì chỉ trong chốc lát, một mâm cơm thịnh sọan được dọn ra trên bàn, mùi thơm bay khắp nhà, nhiều món còn nóng bốc hơi lên nghi ngút. Đồ ăn cũng hấp dẫn tuyệt vời như lần trước. Có điều ngòai các dĩa bạc, chén nạm vàng, và đũa ngọc, tất cả đồ ăn được trịnh trọng đặt vào một cái mâm bằng đồng rất lớn óng ánh bằng gần phân nửa cái bàn. Hai mẹ con lại được một bữa ăn ngon. Sau đó, Alađanh lại theo lệ cũ, gói một dĩa bạc vào khăn vải, và mang ra định bụng sẽ bán cho lão chủ tiệm cầm đồ người Do Thái nữa.
Cũng may, trên đường tới tiệm cầm đồ, Alađanh đi ngang qua một tiệm kim hòan gần đó của một ông chủ đã già và lương thiện. Ông ngoắc Alađanh vào hỏi, “Bác thấy cháu thường mang món gì tới tiệm cầm đồ, có lẽ nhà túng thiếu lắm phải đi cầm đồ quý nhiều phen?” Không biết sự thành thật của ông biểu lộ trên mặt ra sao, Alađanh thấy tin tưởng ông ngay và thưa, “Dạ, không phải đâu bác. Cháu mang các mâm bạc bán cho ông chủ tiệm cầm đồ.” Ông già ái ngại nói, “Cháu ơi, bác không nên nói xấu người ta nhưng sợ cháu còn nhỏ bị thua thiệt vô lý nên muốn cho cháu biết là lão chủ tiệm đó thường dìm giá của khách để kiếm lời càng nhiều càng tốt. Cháu bán gì, đưa bác xem thử để nói giá cho cháu khỏi bị trả quá rẻ.”
Alađanh mở khăn vải bày ra dĩa bạc cho ông già xem. Sau khi ngắm nghía và cân cái dĩa, ông hỏi, “Ông ấy trả cháu bao nhiêu tiền?” “Dạ, mười lắm đồng tiền vàng.” Ông già nhăn mặt than lớn, “Thánh thần ơi, thật là kẻ bốc lột!” Alađanh nhìn ông ngạc nhiên, thì ông nói tiếp, “Theo trong lượng của cái dĩa bằng bạc ròng nầy thì giá đúng của nó phải là một trăm đồng tiền vàng.” Alađanh há hốc nhìn và biết ông không nói chơi với mình, Nó hối tiếc đã bán tất cả dĩa, chén, và đũa quý cho người bất lương với giá rẻ mạt nên cứ chắc lưỡi hít hà.
Ông già cười nói, “Chuyện đã qua rồi, hối tiếc cũng không làm gì được. Nếu cháu bằng lòng, bác sẽ mua đúng giá cho cháu.” Alađanh vui mừng bán cho ông già. Nó về thuật lại cho mẹ và bà cám ơn trời đất đã xui khiến con mình gặp được người tốt. Từ đó, Alađanh tiếp tục đem các đồ quý ra bán cho ông chủ tiệm kim hòan với giá rất cao. Cái mâm đồng nó bán được năm trăm đồng tiền vàng. Nhờ vậy hai mẹ con sống một cuộc đời rất sung túc.
Sau mấy năm, Alađanh đã trở thanh một thiếu niên anh tuấn. Tuy từng lêu lỏng ham chơi nhưng Alađanh rất thông minh. Biết rằng vì ngu dốt nó mới bị gạt thê thảm, nó quyết tâm ra tiệm kim hòan lân la học hỏi về phẩm chất các lọai ngọc và cách tính giá cả. Lúc đó nó mới biết được các “hòn đá” đủ các màu mà nó hái từ dưới hầm bí mật trên đồi cao là những viên ngọc vô giá. Các tiệm kim hòan danh tiếng ở kinh thành dù có hột xòan cực lớn thì giỏi lắm là bằng một phần năm của viên ngọc nhỏ nhất của nó. Từ đó nó quyết lòng làm quen những người buôn bán lớn để học hỏi thêm. Lúc nầy hai mẹ con đã sung túc nên ăn mặc tươm tất và nhà cửa cũng được cất lại khang trang hơn nhiều.
Mộ buổi sáng như thường lệ, nó ăn mặc sang trọng đi tới kinh thành để giao thiệp với các nhà buôn bán lớn, mong được học hỏi thêm thì một chuyện trọng đại xảy ra. Đi dọc dãy phố cạnh bờ biển ở kinh thành, nó ngạc nhiên không thấy một bóng người. Đang định tìm người để hỏi, nó nghe trống đánh dồn dập và một tóan lính của vua đi trên đường truyền lớn, “Hôm nay không ai được mở cửa tiệm buôn bán hoặc ra đường, nhất là các đàn ông còn trẻ tuổi. Trong một canh giờ nữa, công chúa Arambồn sẽ ra bờ biển tắm lễ thánh. Ai trái lệnh sẽ bị chém đầu.”
Đáng lẽ cái lệnh nghiêm khắc phải làm cho Alađanh sợ hãi và lập tức quay về nhà. Tuy nhiên, anh ta lại tò mò tột độ. Từ lúc còn nhỏ, anh ta đã nghe thiên hạ ca tụng sắc đẹp kinh hồn và tính tình thùy mị của công chúa. Từ nhiều năm, Alađanh rất muốn có cơ hội nhìn thử dung nhan của nàng, nhất là khi nàng không đeo màng che mặt. Đây là một cơ hội ngàn năm một thuở. Alađanh muốn thỏa mãn óc tò mò của mình nên nhanh chân đi xuống bờ biển thấy có dưng sẵn một nhà tắm lớn bằng cây. Lúc đó không còn ai dám bén mảng tới bờ biển mặc dù chưa tới giờ cấm. Alađanh làm gan bước vào quan sát. Anh thấy bên trong có nhiều phòng bao quanh một nhà tắm phủ lụa hồng mỏng rất sang trọng May thay, có một chỗ núp rất kín cạnh cánh cửa, không ai ngờ có thể có người. Chỗ nầy lại rất thuận tiện để quan sát mọi họat động bên trong.
Tuổi trẻ quá mạo hiểm, Alađanh cả gan chun tọt vào chỗ ẩn trốn đó, hồi hộp chờ công chúa xuất hiện. Sau một canh giờ chờ đợi trong tâm trạng hết sức căng thẳng, chàng thanh niên lớn gan này nghe tiếng kèn trống từ trên phố vọng tới, kèm theo tiếng chân dồn dập, và khi khẽ nhìn ra thì thấy một tóan nữ binh hộ tống công chúa từ trên phố đi xuống. Nàng đeo màng che mặt nhưng thân hình ẻo lã tha thướt dáng đẹp tuyệt trần. Trống ngực đánh thình thình, Alađinh nín thở sợ sẽ bị phát giác. Nếu bị bắt, chắc chắn phải bị bêu đầu!
Tóan nữ binh đứng lại thành hai hàng ngòai cửa để canh gác trong lúc công chúa một mình bước vào phòng tắm, lướt qua chỗ núp của Alađinh. Vừa vào trong, cô đưa tay gỡ màng che mặt ra. Ôi thôi! Thật là một sắc đẹp tuyệt diệu mà Tạo Hóa đã làm ra. Alađanh như ngộp thở trước vẻ đẹp ru hồn. Trong cái đẹp thể xác có pha cái đẹp thùy mị nhu hòa của tâm hồn một cô gái ngây thơ. Alađanh bị chấn động sâu xa trong lòng, chợt thấy có một sức sống trào tràn và yêu đương bừng bừng nỗi dậy, không tài nào dẹp tắt được. Anh đứng lặng người trong chỗ núp và không còn biết việc gì xảy ra xung quanh nữa. Alađanh ở mãi trong chỗ núp cho tới khi công chúa và tóan lính đã đi về kinh thành mới dám mò ra đi thẳng về nhà.
Về tới nhà xế hôm đó, Alađanh ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn. Mẹ của anh ta hỏi, “Chiều nay sao thấy con lạ quá, dường như con để tâm trí ở đâu vậy?” Alađanh không trả lời mà đi thẳng vào buồng đóng cửa lại. Bà ngạc nhiên vô cùng vì đứa con nầy tuy có lúc ham chơi không nghe lời bà nhưng không bao giờ không trả lời câu hỏi của bà. Buổi cơm chiều hôm đó, Alađanh chỉ ăn qua loa vài đũa rồi đi vào buồng đóng cửa lại. Lo lắng quá, bà theo vào buồng hỏi, “Con có bệnh gì không, hãy cho mẹ biết?” Alađanh lắc đầu. Bà lại hỏi, “Có ai làm phiền phức gì con không?” Alađanh lại lắc đầu. Hỏi gì anh ta cũng lắc đầu, bà mẹ lo quá, nghĩ là con bị bệnh tà nên nói, “Trời ơi, sao con tôi lại ra nông nỗi nầy? Hay là bị con quỷ trong cây đèn ám nó rồi! Mẹ phải đi rước thầy về trị bệnh cho con mới được.”
Bà dợm bước ra thay quần áo đi rước thầy pháp, thì Alađanh vội nắm tay bà lại nói, “Mẹ đừng đi, con không sao. Mẹ ở lại đây, con có chuyện muốn nói với mẹ.” Bà mừng quá ngồi xuống ghế cạnh giường của con. Nhìn bà một hồi, anh ta nghiêm trang nói, “Con muốn cưới công chúa Arambồn làm vợ!” Bà mẹ chưng hửng, mặt tái mét, nghĩ chắc con mình đã điên thật rồi, và lắp bắp nói, “Trời ơi, con tôi bị quỷ nhập rồi! Con ơi, con hãy nhỏ tiếng lại, kẻo mẹ con mình bị tai họa tày trời ngay bây giờ.”
Bà sợ hãi vội đóng cửa phòng lại trong lúc Alađanh vẫn kiên trì nói tiếp, “Con phải cưới công chúa làm vợ thật đó mẹ.” Bà quýnh quáng không biết phải làm sao bịt miệng của thằng con điên khùng lại vì hắn nói lớn tiếng quá. Cuối cùng bà tới cạnh con trai, ôm vai nó năn nỉ, “Con ơi, con thương mẹ đã già rồi không chịu đựng tù ngục nỗi, con đừng nói chuyện điên khùng mà gia đình phải mang họa lớn đó con.”
Nhưng Alađanh vẫn quyết liệt, “Con không điên khùng gì hết, mẹ ơi. Mẹ hãy giúp con cưới vợ đi mẹ. Con là con của mẹ mà, mẹ phải giúp con chớ.”
Bà phân trần, “Dĩ nhiên con là con của mẹ, và nguyện vọng của mẹ là cưới vợ cho con để có cháu nội nối dòng. Nhưng mà con ơi, vợ nghèo khổ bình dân thì còn khả dĩ. Đằng này . . . công chúa, ôi thôi!” Bà nói đứt khỏang trong nỗi tuyệt vọng. Nín lặng một hồi, bà nói tiếp, “Con xem, nhà vua quyền hạn vô tận, của cải đầy kho. Nếu ngài gã con cũng phải gã cho hoặc vua hoặc hòang tử các nước lớn, chứ chưa chắc chịu gã cho vuơng tôn khanh tướng của các nước nhỏ, làm sao lại có thể gã cho con là con mồ côi của một bà già nghèo khó như mẹ. Con ơi, hãy suy nghĩ mà bỏ cái ý tưởng điên cuồng đó đi con.” Alađanh kiên trì nói, “Nếu không cưới được công chúa thì con không làm gì được cả, không ăn, không uống, và không ngủ. Trước sau gì con cũng phải chết thôi mẹ.”
Bà mẹ khổ tâm quá, lại tiếp tục phân trần, “Mẹ biết sự đau buồn của con. Nhưng con nghĩ mà xem. Ngay cả khi mẹ đi hỏi một con gái nhà nghèo của dân giả, họ cũng hỏi con làm nghề gì, có tài sản ruộng đất bao nhiêu, để xem con có nuôi sống được con gái nhà người ta không. Con lại không có nghề ngỗng gì nhưng mình hiện có chút ít tiền thì miễn cưỡng mẹ còn nói chuyện với họ được. Đàng này, con vua, . . . công chúa! Trời ơi, mẹ phải làm sao bây giờ?” Bà đưa tay lên trời trong vẻ tuyệt vọng. Bà thấy rất khó xử và đau khổ vì bà muốn con được tọai nguyện nhưng sự đòi hỏi của nó thật khó hơn bắt thang lên trời. Rán kiếm hết lý lẽ, bà nói tiếp, “Từ xưa, nếu là dân giả mà muốn cưới được công chúa, ít ra người con trai phải có thành tích anh hùng ngòai chiến trường hoặc có một cống hiến vĩ đại nào đó cho đất nước làm vua và công chúa thán phục và yêu mến mới được. Còn con, con làm được gì cho vua và đất nước?” Alađanh rên rỉ, “Con biết là làm khó cho mẹ, nhưng mẹ ơi, không cưới được công chúa trước sau gì con cũng sẽ chết đó mẹ.”
Bà mẹ thương con lại kiên nhẫn phân giải, “Giả sử mẹ chiều ý con tìm đến kinh thành thì làm sao một bà già nhà quê nghèo khổ như mẹ lại có thể triều kiến được nhà vua? Giả sử mẹ may mắn được vua cho gặp và trình bày nguyện vọng, khi vua hỏi con là người có gì xuất chúng thì mẹ trả lời làm sao? Giả sử vua không hỏi về nhân phẩm và tài ba của con mà hỏi có gì làm lễ ra mắt thì mẹ lấy gì trình ra?” Nghe tới đây, Alađanh vội sáng mắt lên, ôm mẹ nó nói lớn, “Nhờ mẹ nhắc, con nhớ ra rồi. Tất cả những thứ trên sẽ không thành vấn đề vì con có món quà lễ rất xứng đáng rồi mẹ.” Bà trố mắt nhìn thì Alađanh nói tiếp, “Mẹ nhớ không, mình còn mấy cái chén nạm vàng chưa bán, mình chỉ cần một cái. Còn đồ để đựng trong chén, dễ thôi. Mẹ nhớ mấy hòn đá đủ màu con đem về từ cái hầm trên đồi cao không? Đó không phải là đá thường đâu mẹ. Đó là những hột ngọc vô giá mà chính nhà vua cũng không có nữa. Con đã học hỏi và biết được hòn ngọc lớn nhất trên mọi xứ hiện nay bất quá chỉ bằng một phần năm hòn ngọc của mình thôi mẹ. Mẹ hãy đi lấy một chén nạm vàng ra đây, con sẽ đem ngọc ra bỏ vào là mình có quà gặp mặt vua rồi.”
Bà vào trong lấy ra một cái chén mạ vàng và Alađanh cũng đem ra ba viên ngọc lớn màu trắng, xanh, đỏ, mỗi viên bằng quả trứng gà. Ngọc để đầy ấp chén vàng, chiếu ánh sáng lắp lánh làm bà chóa mắt không thể nhìn thẳng vào. Lấy một khăn lụa mỏng phủ lên chén và để vào một túi vải, Alađanh nói, “Giờ mẹ yên lòng là có lễ ra mắt vua rồi. Thôi mẹ hãy chuẩn bị để sáng mai vào triều gặp vua nghe mẹ.” Tuy thấy lễ vật thật quý giá làm bà có chút yên tâm, bà vẫn còn thấy ái ngại làm sao cho chuyện ngày mai. Bà nói, “Con ơi, phẩm vật quý giá đã có, mẹ có thể gặp mặt vua. Nhưng nếu vua hỏi mẹ muốn gì, làm sao mẹ dám trả lời là muốn cưới công chúa cho con trai tôi. Con ơi, mẹ sợ lắm, nhà vua sẽ bắt tội mẹ là phạm thượng, khi quân hoặc cho mẹ là một bà già điên. Đàng nào mẹ cũng sẽ bị giam. Mẹ thấy đây là việc nguy hiểm chết người đó con. Không chừng cả mẹ lẫn con đều bị chém đầu thị chúng.” Alađanh nói, “Mẹ lo xa quá, bây giờ cần nhất là mẹ đi ngủ sớm cho có sức để vào triều ngày mai. Mẹ cứ ở đó mà tưởng tượng cái rủi nầy, cái lo nọ, thiệt không ích lợi gì đâu.” Cực chẳng đả bà phải đi ngủ nhưng trằn trọc lo sợ mãi về chuyện có thể xảy ra ngày hôm sau.
Sáng ra Alađanh đưa cho bà túi vải đựng lễ vật ra mắt vua và giục bà sớm lên đường. Bà dùng dằng nói, “Con ơi, sao mẹ còn lo quá!” Alađanh cười nói, “Con tin chắc là không sao mà.” Lòng bà mẹ nào cũng thương con. Tuy biết là vào chỗ khó, chỗ chết, bà cũng thu hết can đảm vào chầu vua với cái đòi hỏi điên cuồng. Thấy mẹ bồn chồn lo lắng quá, Alađanh ôm mẹ hôn và nói, “Mẹ đừng lo quá. Mình còn có thần đèn giúp đở mà.” Nghe vậy, mắt bà sáng lên và vui vẻ lên đường. Bà tới sân chầu trong cung thì thấy các quan đã tề tựu ở đó. Tể tướng, các quan văn vỏ, và các lính hộ giá của vua hàng hàng lớp theo thứ bậc khoanh tay đứng chờ rất trang nghiêm. Bà chen vào đám dân chúng đứng phía ngòai chờ trình tấu các oan tình hoặc thưa gửi quan địa phương. Tay bà xách túi vải đứng chờ. Không lâu sau, một hồi trống dài nổi lên và một nội quan nói lớn, “Thánh thượng lâm triều.” Mọi người quỳ xuống hô to, “Vạn tuế, vạn vạn tuế.” Vua phán, “Bình thân, các khanh và quý vị an tọa.” Sau đó, nhà vua xét xử mọi việc chánh sự lớn nhỏ trong triều. Tới trưa, vua cho truyền dân chúng có chi trình tấu hãy bước ra thưa. Nhiều người có những oan tình hoặc thỉnh cầu đều được giải quyết thỏa đáng.
Thấy dáng oai nghi của nhà vua và nhớ lại thỉnh cầu quá táo bạo của mình, bà mẹ của Alađanh cứ rụt rè mãi tới lúc bãi triều ngày hôm đó. Bà lủi thủi ra về. Thấy mẹ về vẻ mặt buồn so và trên tay còn mang túi lễ vật, Alađanh hồi hộp cho là chuyện chẳng lành đã xảy ra nên rụt rè hỏi, “Nhà vua đã nỗi giận phải không mẹ?” Bà nói, “Mẹ chưa có dịp trình với nhà vua. Mai mẹ sẽ vào chầu và thỉnh cầu với ngài.” Alađanh thở phào nhẹ nhỏm, trong lòng mừng rỡ vì hy vọng vẫn còn. Ngày hôm sau, bà thức sớm vào triều với túi vải lễ vật trên tay. Tới nơi thấy điện chầu đóng cửa kín mít. Hỏi ra mới biết, cứ mỗi ba ngày nhà vua mới lâm triều một lần. Bà lại lủi thủi trở về. Sau đó, cứ mỗi buổi có lễ chầu là bà lại tới đứng cùng một chỗ trong đám dân chúng: phía trái trước mặt nhà vua. Suốt một tháng trời, bà đi chầu rất đều đặn và vẫn không đủ can đảm ra trình thỉnh cầu của mình với nhà vua.
Sau nhiều ngày như vậy, nhà vua chú ý và thắc mắc hỏi tể tướng, “Khanh có để ý có một bà già mỗi buổi chầu đều tới đứng bên trái của trẫm, trên tay cầm một túi vải lụa? Không biết bà có chuyện chi thưa thỉnh mà suốt một tháng trời rồi không thấy nói năng chi hết?” Tể tướng thưa, “Thưa bệ hạ, các người đàn bà nếu không phàn nàn chuyện tranh chấp với hàng xóm thì cũng là chuyện lục đục với chồng con mà thôi.” Nhà vua không vừa lòng với lời giải đáp đó và nói, “Hôm nay, sau khi chánh sự đã xong, khanh cho vời bà ấy tới trước điện cho ta hỏi chuyện.” Tể tướng thưa, “Xin tuân lệnh.”
Ngày hôm sau như thường lệ, mẹ của Alađanh lại mang túi lễ vật tới đứng chầu vua cùng một chỗ như trước nay. Sau khi giải quyết các việc lớn trong nuớc xong, nhà vua ngó qua tể tướng và ngó về hướng mẹ của Alađanh. Tể tướng hiểu ý tới dẫn bà tới quỳ trước vua. Sau khi tung hô vạn tuế, bà cúi mọp trước sân triều, trong lòng vô cùng sợ sệt. Nhà vua phán, “Bà lão, trẫm để ý thấy bà tới chầu rất nhiều ngày rồi, sao bà không trình tâu gì cả mà cứ sáng đi chiều về đã lâu. Bà có chi yêu cầu trẫm giúp đở không?” Bà thưa, “Bẩm bệ hạ, tiện dân quả thật có một thỉnh cầu. Nhưng trước hết xin bệ hạ ban cho đặc ân không trừng phạt nếu có lời khó nghe, thì tiện dân mới dám thưa.” Nhà vua là người độ lượng nên hứa là sẽ không bắt tội bà và hối, “Giờ bà cứ nói cho trẫm biết bà có yêu cầu gì?” Bà lại ấp úng, “Bẩm bệ hạ, thật là khó nói quá.” Càng tò mò và để bà mạnh dạn hơn, nhà vua cho tất cả mọi người lui ra, chỉ trừ tể tướng, rồi phán, “Giờ bà nói được rồi chớ gì?”
(Kết thúc phần 78 - còn nữa)
0 nhận xét