hay

Người đăng: Tốt đỏ 25/10/09

Trung Quốc đang chơi ba lá bài chính tại VN, và là tác nhân gây chia rẽ rất nặng trong xã hội. Trước hết là quân bài bauxite mà người Tàu đã cài thành công tại Tây Nguyên, sẽ còn để lại nhiều hiểm hoạ lâu dài với tương lai đất nước. Kế đến là áp lực quân sự tại Biển Đông, đi kèm với sự đe doạ, TQ sẽ còn tiến thêm những bước lấn tới với việc đơn phương khai thác tài nguyên trong một hai năm trước mắt. Lá bài thứ ba, là làn sóng lao động TQ nhập cư bất hợp pháp theo chân các hợp đồng trúng thầu của các công ty TQ, mà rõ ràng nhận được sự hậu thuẫn tổng hợp của chính quyền đại lục, cùng bộ máy an ninh của nó, nhằm làm xói mòn nguồn lực VN. Bên cạnh đó, vấn nạn thâm hụt thương mại một chiều với TQ sẽ vẫn là một tình trạng không có lời giải trong ngắn hạn. Những lá bài TQ đang chơi, làm suy yếu VN ở cả ba phương diện: Kinh Tế, Quân sự và chủ quyền, và điều còn nguy hiểm hơn hết thảy, là sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội.


Thể chế và chính quyền VN đang cảm thấy mất tự tin và có xu hướng dùng tới các giải pháp trấn áp ngày một cực đoan hơn. Ở phía đối diện, có vẻ những ý kiến chỉ trích từ dân cư cũng ngày một chạy theo một thái cực có phần cực đoan không kém. IDS giải tán để phản đối quyết định 97 có thể coi là một dấu hiệu khởi đầu, khi nó dường như là một thông điệp rằng giới học giả và trí thức không còn tin vào chính phủ. Những xu hướng cực đoan như thế có thể đẩy chính quyền tới những biện pháp trấn áp mạnh mẽ hơn nhằm vãn hồi quyền lực, tất nhiên, điều đó sẽ càng đẩy VN vào hố sâu chia rẽ và làm suy yếu tiềm lực quốc gia. Được lợi sau cùng, không ai khác ngoài Trung Quốc. Một VN chia rẽ và suy yếu sẽ là cơ hội vàng để TQ lấn tới ở Biển Đông. Nếu chính quyền VN càng dùng tới các giải pháp cực đoan, quyền lực của nó sẽ càng bị xói mòn nhiều hơn là củng cố. Điều này sẽ hết sức nguy hiểm nếu chính phủ cảm thấy yếu ớt và có nhu cầu tìm đến một chỗ dựa từ bên ngoài. TQ cố nhiên sẽ hết sức hoan hỉ chìa tay ra trong trường hợp đó, chắc chắn kế tiếp sau đó sẽ là sự lên ngôi của xu hướng thân TQ trong bộ máy cầm quyền, và lợi ích quốc gia của VN sẽ bị đặt trước những đe doạ sống còn.

Cần chặn cái viễn cảnh nguy hiểm ấy lại. Câu hỏi đặt ra: "Bằng cách nào?"

Thông điệp anh Lãng đưa ra, trước hết là gửi tới đại bộ phận dân đen, gồm cả bọn con bò đang nhăm nhăm chỉ trích chính quyền với các giọng điệu càng lúc càng gia tăng: "Cần bình tĩnh lại, nhìn nhận tình hình và phải đặt quyền lợi quốc gia lên trước hết". Khát vọng muốn có một chính quyền liêm khiết và hiệu quả, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, có những chính sách đúng đắn giúp vực dậy quốc gia, là một nhu cầu chính đáng. Người Vn sẽ còn phải đấu tranh lâu dài cho một nhà nước pháp quyền, và được hưởng các quyền chính đáng mà người dân tại nhiều nước phương Tây đã được hưởng từ lâu. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh những phản ứng quá cực đoan. Lịch sử VN trong ngót 70 năm qua, có quá nhiều máu phải đổ trong những cuộc chiến tranh gây tranh cãi, và không ích lợi gì nếu đất nước lại rơi vào một vòng xoáy của các xu thế có tính cực đoan. Bình tĩnh lại, sự cực đoan trong chỉ trích chính quyền sẽ càng làm chế độ cảm thấy mất tự tin và muốn dùng những giải pháp trấn áp cực đoan hơn, đất nước trong điều kiện đó chắc chắn sẽ suy yếu nhiều hơn, và TQ sẽ lợi dụng thời cơ tốt hơn hết thảy.

Tuy nhiên, quyền chủ động vẫn nằm trong tay nhà nước và chế độ trong việc tháo gỡ tình hình. Trong một văn bản tham mưu tối mật, gửi riêng cho Bộ chính trị, khi anh Lãng được yêu cầu đưa ra giải pháp, anh đã đặc biệt lưu ý, chế độ phải có cách phản ứng thông thái hơn trong việc kiểm soát các phong trào phản biện. Nghe ngóng các ý kiến khác biệt, tìm cách chắt lọc những lời khuyên quý giá và sử dụng khả năng của giới trí thức trong nước vào nỗ lực chung để vực dậy quốc gia, sẽ là tốt hơn nhiều so với việc muốn tìm cách bóp cổ họ và đẩy những người này vào vị thế của những người phản biện cực đoan. Quyết định 97 hiện nay là một sai lầm, đáng ra ông Dũng và chính phủ nên thể hiện sự tôn trọng với những ý kiến phản biện từ những nhà khoa học và giới trí thức trong thời gian vừa qua, thì có thể ông sẽ nhận được sự hợp tác và thông cảm thay vì những lời chỉ trích. Một giải pháp cực đoan không thể tháo gỡ được tình hình, mà cần tới một cách tiếp cận ôn hoà cho những ý kiến khác biệt. Chính quyền và thể chế còn cơ hội để sửa sai, thay vì việc đẩy các sự kiện theo cách thức mà chắc chắn TQ sẽ vui mừng lợi dụng.

Anh mong rằng cái thông điệp cần bình tĩnh lại sẽ được chuyển tải tới bất cứ người nào mang quốc tịch VN. Hãy nhớ, người TQ đang chờ ngay trước cửa.

Bên cạnh đó, nhìn rộng ra thế giới, lại có quá nhiều điều hứa hẹn đang chờ đón chúng ta. Trải qua khủng hoảng, nước Mỹ và châu Âu suy yếu nhưng lại thông minh hơn. Trước hết hãy nhìn nhận vào bản thân quốc gia có tiềm lực hùng mạnh nhất hành tinh là Mỹ. Hiện tại quyền lực Hoa Kỳ đang suy yếu hơn bất cứ lúc nào kể từ sau chiến tranh lạnh. 8 năm cầm quyền của Bush đã khiến kinh tế nước Mỹ xói mòn. Mỹ mải mê lao vào các cuộc chiến tranh tại Iraq và apghanixtan với những thế lực trên thực tế không thể thách thức quyền lực Mỹ, làm dân Mỹ hao tài tốn của và chìm sâu vào nợ nần. Trong cùng thời kỳ, TQ lặng lẽ vươn lên. Chỉ trong 8 năm, cái đất nước khổng lồ và thâm hiểm ấy đã đạt tới một vị thế đủ để thách thức quyền lực Hoa Kỳ. Nước Mỹ ngày nay đã thấu hiểu sự thật, đối thủ duy nhất có thể thách thức quyền thống trị của họ, không phải là một Osama Bin Laden, một Saddam Hussein, một Amadinejaz hay một nước Nga mới của Putin. Đối thủ thực sự của họ là Tàu Khựa.

Obama lên nắm quyền và chọn một cách tiếp cận với thế giới hết sức thông minh. Nước Mỹ suy yếu, nhưng đã bước qua giai đoạn khó khăn và giờ đang tìm cách phục hồi, Obama tin chắc rằng Mỹ sẽ vẫn nắm quyền lãnh đạo với lối hành xử thay vì độc quyền chơi, bằng cách tìm kiếm sự đồng thuận về lợi ích. Rõ ràng là dưới thời Obama, tính đến nay các xu thế cực đoan đối đầu với nước Mỹ đã giảm đi đáng kể. Bắc Triều Tiên ngỏ ý hợp tác, Mỹ đồng thời cũng muốn chìa một bàn tay. Iran cũng bớt cực đoan hơn khi nước Mỹ nhấn mạnh tới sự hợp tác và trao đổi hoà bình. Nhưng điểm nhấn lớn hơn cả trong chính sách ngoại giao của Obama trong thời gian vừa qua chính là sự kiện huỷ bỏ kế hoạch phòng thủ tên lửa đặt tại Balan, một động thái khiến nước Nga hài lòng hơn hết thảy.

Sự cực đoan của Bush là ngu xuẩn khi khăng khăng muốn đẩy phòng tuyến phòng thủ của Mỹ đến sát nước Nga. Dưới thời của Bush, Nga mất tự tin và tìm cách hợp tác với phần đối lập với Mỹ. Trung Quốc được lợi hơn bất cứ ai trong thời kỳ này. Obama đang chơi một ván bài tổng hợp, bằng cách tiếp cận mềm dẻo với Triều Tiên và Iran, nếu thành công trong việc loại bỏ các xu hướng cực đoan ở hai đất nước này, nước Mỹ và đồng minh phương Tây chắc chắn sẽ an toàn hơn rất nhiều thay vì việc duy trì một chính sách đe nẹt và đối đầu. Đồng thời với việc cải thiện quan hệ với Nga, Mỹ đạt được hai mục tiêu chiến lược: "Chính sách của Nga đối với các vấn đề Triều Tiên và Iran chắc chắn sẽ gần với Mỹ hơn, và đồng thời, liên minh Nga - Trung chống Mỹ sẽ xói mòn nghiêm trọng. Một nước Nga gần với Mỹ và châu Âu, sẽ tốt hơn cho cả người Nga và người Mỹ. Người Nga chắc chắn không quên rằng, cái đất nước duy nhất dám tấn công họ kể từ sau thế chiến thứ hai, chỉ mình TQ, trong cuộc chiến ngắn ngày hồi năm 1962"

Quyền lực của Mỹ với những chính sách đang được thực thi không những không suy yếu đi. Có nhiều dấu hiệu một liên minh rộng khắp nhằm kìm chế TQ đang được thành hình. Bắc Hàn hay Iran bớt cực đoan và mở cửa với phần còn lại của thế giới, đều sẽ làm suy yếu nghiêm trọng thế lực Trung Hoa. Bên cạnh đó, nếu nước Nga gần với châu Âu hơn, thì TQ sẽ lẻ loi hơn hết thảy khi không còn đồng minh chiến lược. Một điều may mắn với chúng ta: "Trung Quốc gần như có hiềm khích với đại bộ phận phần còn lại của thế giới".

Nước Mỹ hiện nay vẫn đang phải đối mặt với một vũng lầy chưa tìm thấy lối ra tại Apghanixtan. Nếu Obama thành công trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi gánh nặng này, chắc chắn nó sẽ có nhiều nguồn lực hơn trong việc đối mặt với đối thủ chính yếu của nó. Đây là một bài toán khó, hãy chờ.

Cũng trong những ngày này, một dấu hiệu khác đến từ Nhật Bản, với sự sụp đổ của chính đảng LPD thống trị nước Nhật suốt từ thế chiến thứ hai, và sự lên ngôi của một đảng đối lập với một gương mặt sáng giá mới. Một tin vui với VN được loan báo gần như đồng thời với sự xuất hiện chính phủ mới của Nhật: Cam kết viện trợ ODA tăng lên, bất chấp sự thay đổi về chính phủ cầm quyền, nước Nhật có vẻ quyết tâm muốn vực dậy nền kinh tế VN, vốn là một điều phù hợp với lợi ích chiến lược của họ cả về an ninh và kinh tế. Nhiều phân tích gia hiện nay cho rằng chính phủ mới của Nhật sẽ tìm kiếm sự độc lập hơn so với Mỹ và tìm cách đối thoại tốt hơn với TQ và Triều Tiên, điều có thể khiến TQ được hưởng lợi nhiều hơn. Trái với nhận định đó, anh Lãng tin chắc rằng nước Nhật đang có một chiến lược khôn ngoan hơn, và có nhiều dấu hiệu Nhật Bản sẽ tìm cách khắc phục vị thế "người khổng lồ một chân, hùng mạnh về kinh tế nhưng không tương xứng về quốc phòng". Chuyện gì xảy ra nếu Nhật Bản xoa dịu mâu thuẫn với TQ, giảm bớt hợp tác với Mỹ nhưng lại tăng cường tiềm lực quân sự của mình? Mỹ, Phương Tây, Việt Nam và Nhật Bản trong tình huống đó sẽ đều có lợi hơn, ngược lại, TQ sẽ bị đe doạ nhiều hơn là được tưởng thưởng. Hãy chờ xem, nhận định của anh Lãng sẽ đúng đến đâu đối với nước Nhật trong 3 năm trước mắt.

Ấn Độ ngày hôm nay cũng đang trình diễn với thế giới một bộ mặt hoàn toàn khác trước. Cái đất nước duy nhất trên thế giới có thể so sánh về dân số so với TQ này giờ đã tự tin hơn rất nhiều với tư cách của một cường quốc Á Châu. Các chương trình hợp tác về quốc phòng với Nga đã cải thiện về cơ bản tiềm lực quân sự của Ấn Độ. Tại Châu Á, ván bài giữa TQ và Ấn Độ trong hiện tại và tương lai sẽ vẫn là một ván bài quyết liệt. VN sẽ được lợi từ canh bạc này.

Để kết lại bài tham luận dài dòng, anh Lãng xin nhấn mạnh vài quan điểm:

- Người VN, cần bình tĩnh hơn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các xu hướng mẫu thuẫn trong xã hội VN đang bị đẩy theo chiều hướng cực đoan: Chính quyền trấn áp cực đoan, giới trí thức, đối lập và phản biện cũng đang đi theo sự phản ứng có phần cực đoan. Hãy cẩn thận. Rất may là hiện tại VN đang có dấu hiệu hồi phục tốt, sự cải thiện về kinh tế trong giai đoạn trước mắt có lẽ sẽ giúp giảm bớt sự chỉ trích từ phía dân cư, đồng thời chính quyền cũng sẽ tự tin hơn để không phải dùng tới các biện pháp kiểm soát xã hội quá cực đoan. Nhu cầu có một xã hội văn minh và dân chủ hơn là hoàn toàn chính đáng, nhưng để tới được tương lai ấy, lối tiếp cận ôn hoà sẽ là tích cực hơn. Một câu thành ngữ xưa nhưng luôn đúng: "Ném chuột, cẩn thận vỡ đồ". Hãy nhớ, TQ đang kề ngay sát cửa.

- Thế giới đang có nhiều diễn biến thuận lợi cho VN, cùng với sự hồi phục của Mỹ và Châu Âu, kinh tế Vn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn cả. Điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay là phải rút ra bài học từ quá khứ, tìm mọi cách khắc phục thâm hụt thương mại với TQ. Hãy dùng tới mọi biện pháp, kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hoá nhập từ Tàu, thắt chặt việc chống buôn lậu qua đường biên và có thể chửi bới hàng hoá Tàu Khựa càng nhiều càng tốt về chất lượng và tính an toàn. Phong trào người Việt không dùng đồ TQ cần được đẩy mạnh về thực chất.

- Nước Mỹ ôn hoà hơn với thế giới và cảnh giác hơn với TQ sẽ là điều lợi đối với VN. Làm thế nào để tận dụng các lợi thế đang diễn ra tại Mỹ, Nhật Bản, Nga, Âu Châu và Ấn độ sẽ là điều mà VN cần tính tới. Hãy tìm mọi cách đưa VN tới gần hơn với thế giới phương Tây. Thoát Á Luận cần phải là một điều tâm niệm khắc sâu vào trí não của mỗi người VN, dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội. Hãy bỏ ngoài tai lời chỉ trích của đám con bò và bọn ăn bả của Tàu Khựa khi ra rả cho rằng chúng ta phải giữ bản sắc Vn và tiến gần châu Á. Hãy nhớ, tương lai luôn phải là phía có ánh sáng văn minh và phát triển, bản sắc dân tộc nếu có, cũng phải nằm ở đó.

Hãy cảnh giác, cùng bình tĩnh nhìn nhận khó khăn và sáng suốt vượt qua thử thách. Những phẩm chất tốt đẹp ấy đã giúp người VN vượt qua nhiều thời kỳ nguy khốn và chứng minh dân tộc chúng ta là một dân tộc được tôn trọng trong lịch sử. (Câu này anh viết để kích động niềm tự hào của cái đám con bò mất hết tự tin P:).

0 nhận xét

Đăng nhận xét