Trước đây, khi con tôi chưa đi học lớp 1 tôi hoàn toàn thờ ơ và không thể hình dung hết nỗi khổ của trẻ con thời nay khi bước vào lớp 1. Tôi nghe theo lời khuyên của các nhà giáo dục đã không cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 và đến bây giờ (sau gần 1 tháng khai giảng) tôi thấy ân hận và thương con tôi hơn.
Ngay từ những ngày đầu đi học, thời gian về nhà của cháu đã phải lỗ lực hết sức (theo sức của một đứa trẻ vừa học mầm non) mới theo kịp bạn bè. Ngay trang thứ 3 của cuốn tập viết cháu đã phải "vẽ" - theo cách gọi của cháu, những chữ be, bé, bẻ... Có hôm cháu phải học đến 10 giờ tối, giục mãi cháu mới chịu đi ngủ nhưng vẫn lo lắng không yên vì "Bạn bên cạnh viết đẹp lắm - biết viết cả tên mình nữa". Cháu còn thổn thức "Sao bố mẹ không cho con đi học vẽ chữ trước ở nhà văn hóa giống như bạn con".
À, thì ra là vậy! Là ở lớp cháu các bạn đã được bố mẹ cho đi học viết trước khi vào lớp 1. Và những bài này đối với các bạn ấy rất đơn giản, cô giáo thấy 30 cháu mà có 20 cháu viết thông thạo đẹp rồi thì những cháu còn lại đương nhiên là ... phải đẹp.
Tôi kiếm tra vở của con và thấy rất nhiều điểm 6, 7, 8 và thậm chí điểm 4. Cháu rất buồn và có dấu hiệu chán nản vì đã cố hết sức mình nhưng ... "chữ các bạn vẫn đẹp hơn con". Theo suy nghĩ của tôi, sức các cháu đến đâu, cho điểm đến đó. Bé nhà tôi viết xấu và được điểm kém đó là chuyện hòan toàn đúng và tôi tôn trọng điểm của cô giáo. Chỉ có điều xoáy vào lòng tôi là câu thổn thức của cháu "Sao bố mẹ không cho con đi học trước như các bạn để con được điểm 10 như bạn con".
Tôi biết chủ trương của Bộ không cho học trước là đúng đắn, khoa học và tôi đã thực hiện theo chủ trương đó, tuy nhiên đến hôm nay tôi thấy ân hận và thương con vì nhận thức đó của mình. Tôi nhớ lại lời dạy của bố tôi ngày xưa "Trâu thì phải theo đàn" hoặc văn hoa nhưng cách nói của người Bun-ga-ry "Giữa những bông hoa bạn hãy là hoa, giữa những nụ hoa bạn hãy là nụ" và tôi thấy chân lý đó lúc nào cũng đúng.
0 nhận xét