Tư bản mới

Người đăng: Tốt đỏ 25/10/09

Cách đây hơn mười năm, một thầy giáo của tôi nói rằng chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến một mức rất tinh vi. Nếu trước kia các chủ đồn điền phải dùng gậy ba-tong để bóc lột công nhân bản xứ, bây giờ việc bóc lột diễn ra ở tầm mức quốc gia. Ông lấy ví dụ thời những năm 70-80 Nhật đã mua rất nhiều tài sản ở Mỹ, kể cả trái phiếu chính phủ vì Nhật có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ giống như Trung Quốc bây giờ. Thế rồi năm 1985 Mỹ đã buộc Nhật phải ký vào Plaza Accord để đồng Yen lên giá hơn 50% so với đồng USD trong hai năm sau đó. Điều này tương đương với tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã “bóc lột” Nhật một cách trắng trợn bằng cách “quịt” 50% số nợ với Nhật.


Hơn 20 năm sau, Trung Quốc đã thế chân Nhật trở thành “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Có điều những nỗ lực của Mỹ trong suốt giai đoạn 2000 - 2006 không làm Trung Quốc nhượng bộ và đồng yuan chỉ được thả lỏng một phần và cho lên giá từ từ so với USD trong 2 năm gần đây. Điều đáng nói là dù đồng yuan đã bắt đầu lên giá, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng và những số liệu gần đây cho thấy gần như toàn bộ thâm hụt ngân sách của Mỹ đều được tài trợ từ nguồn này. Hiện tại dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã gần đạt 2 ngàn tỷ USD. Thử tưởng tượng nếu Mỹ thành công trong việc làm USD mất giá khoảng 50% so với đồng yuan như đã làm với Nhật năm 1985, số tiền Trung Quốc bị “quịt” sẽ tương đương với 10 năm GDP hiện tại của Việt nam.

Vậy tại sao Trung Quốc không chuyển dự trữ ngoại tệ của mình sang các đồng tiền khác hay vàng? Hay đơn giản hơn là ngừng không tăng dự trữ ngoại tệ nữa vì đã quá đủ để đảm bảo an toàn cho cán cân thanh toán? Vấn đề là bản thân Trung Quốc muốn giữ tỷ giá của đồng yuan với đồng USD cố định vì Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Theo cách nói của một số nhà kinh tế thì Trung Quốc đã “hối lộ” cho dân Mỹ thông qua chính sách tỷ giá để họ tiếp tục mua hàng của Trung Quốc. Cái lợi mà Trung Quốc được trong ván bài kinh tế này không phải là 2 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ mà Trung Quốc biết sẽ mất một phần trong tương lai. Mục tiêu của Trung Quốc chính là tăng trưởng kinh tế thông qua con đường xuất khẩu, đây là điều cần thiết để Trung Quốc giữ xã hội ổn định và là phương tiện để đạt được các mục tiêu chính trị khác. Có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận sẽ bị quịt nợ trong tương lai, hay nói cách khác sẵn sàng để Mỹ “bóc lột”.

Không chỉ bị “bóc lột” vì khoản cho vay của mình sẽ mất giá khi đồng yuan lên giá, người dân Trung Quốc hiện tại đang bị bóc lột trên một khía cạnh khác. Họ buộc phải giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm cá nhân vì chính sách quản lý vĩ mô méo mó của chính phủ Trung Quốc. Mỗi đô la thêm vào dự trữ ngoại tệ quốc gia đều có đóng góp của những công nhân Trung Quốc làm việc trong các xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đây có thể coi là một loại thuế trá hình đánh lên thu nhập của những người công nhân này và lên cả lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, mọi người dân Trung Quốc đều phải giảm tiêu dùng các loại hàng hóa nhập khẩu vì chính sách tỷ giá thấp của chính phủ. Họ đang bị “bóc lột” gián tiếp thông qua dự trữ ngoại tệ mà có lẽ nhiều người không biết và không đồng ý.

Năm 1985, Reagan và Volcker đã ép buộc thành công Nhật chấp nhận đồng Yen lên giá để giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch của Mỹ và nguy cơ khủng hoảng tài chính. Bush và Greenspan đã không làm được như vậy với Trung Quốc, để rồi cuộc khủng hoảng hiện tại nổ ra. Tất nhiên người Mỹ phải chịu hậu quả đầu tiên, nhưng không ai tiên liệu được cuộc khủng hoảng này sẽ dừng lại ở đâu. Nếu khoảng tháng 9-10/2008 “mắt bão” cuộc khủng hoảng nằm ở Mỹ thì hiện tại có vẻ nó đã chuyển sang các nước Đông Âu, và nhiều người dự báo nó sẽ đi dần sang phía Đông. Có thể Trung Quốc sẽ trắng tay trong ván bài kinh tế-chính trị vẫn “chơi” lâu nay. Ngược lại nếu Trung Quốc khéo léo và may mắn, họ sẽ xoay chuyển được global geopolitical landscape theo một hướng mới có lợi hơn cho mình. Đó có lẽ là bản chất dân tộc Trung Quốc, sẵn sằng nhin ăn nhịn mặc, bị bóc lột và khinh rẻ trong thời gian dài để vùng lên đúng lúc. Có điều chiến lược này rất rủi ro và người lãnh đạo phải sẵn sàng hi sinh lợi ích của cả dân tộc trong một (vài) thế hệ để có được cơ hội “thắng làm vua”.

Đáng tiếc là, dù bất cứ trường hợp nào xảy ra với Trung Quốc, kinh tế Việt nam cũng sẽ gặp nhiều sóng gió trong năm 2009.

Giang Lê

0 nhận xét

Đăng nhận xét