Tôi muốn nhắc đến danh họa Nga Levitan, tác giả bức tranh Mùa thu vàng nổi tiếng, sống vào nửa cuối thế kỷ XIX.
Thế kỷ XIX được mệnh danh là thế kỷ của những người khổng lồ. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ tự nhiên đến xã hội đều xuất hiện những thiên tài kiệt xuất. Nền hội họa Nga tự hào với Levitan (30/8/1860 - 4/8/1900).
Có gốc gác Do Thái từ nhiều đời, Levitan sinh ra, lớn lên, học hội họa rồi giảng dạy, sáng tác với tâm hồn Nga thuần khiết. Mười ba tuổi đã vào Trường Kiến trúc, Điêu khắc, Hội họa Moskow, được nhận học bổng vì nhà nghèo và tài năng.
Levitan tham gia các hoạt động về hội họa và giành nhiều giải thưởng lớn.
Cuối thế kỷ XIX, nhắc đến họa sĩ vẽ tranh phong cảnh, người ta nghĩ ngay đến Levitan. Tranh ông đi vào lòng người bởi thiên nhiên có hồn, như đó là phân thân tâm hồn Nga trong ông vậy.
Đất nước Nga mênh mông, hùng vĩ, đẹp tuyệt làm say lòng bao người. Một vẻ đẹp sâu lắng, mang nỗi buồn xa xăm, trắc ẩn, khiến người ta nghĩ đến thân phận, đến sự có mặt của mình trên cõi đời này. Tất cả vẻ đẹp ấy đi vào tranh Levitan thành cái đạo Tự Nhiên.
Đất trời chuyển xoay, khuôn mặt thiên nhiên Nga cũng thay đổi, muôn hình muôn vẻ.
Bức Con nước mùa xuân (Sơn dầu)
Nắng ấm trong như thủy tinh sưởi ấm mọi cảnh vật. Băng tan, nước lên ngập những thân bạch dương phơi mình dưới nắng sau mùa đông dài ảm đạm giữa một trời tuyết mù mịt mây cùng gió gào. Con thuyền nhỏ mắc cạn trong tuyết giờ nâng mình trên mặt nước êm ru, xanh thẫm, sẵn sàng cho cuộc hành trình mới. Xa xa phía chân trời, lác đác vài nóc nhà nhỏ hiện hình như sự sống tái sinh. Đó là bức Con nước mùa xuân ông vẽ năm 1896.
Bức Tháng ba (Sơn dầu)
Ở bức Tháng ba cũng vậy, nắng xuân xua tan băng giá. Băng tan thành vũng nước trên mặt đất lộ dần. Đụn tuyết cuối cùng trên nóc nhà sắp biến mất. Một mảng trắng xốp nổi bật trên ngói cũ rêu phong. Rừng thông qua đông giữ nguyên bộ áo xanh sẫm làm nền cho hàng cây hoàn diệp liễu non tơ, bên cạnh là chú ngựa Dianca vừa kéo xe trượt tuyết chuyến cuối cùng trở về đang sưởi nắng. Tranh Levitan tuyệt nhiên không có người mà vẫn như tràn ngập bóng dáng họ. Bố cục không chê vào đâu được, ánh sáng xử lý tuyệt vời. Kế thừa trường phài Phục hưng nhưng Levitan hiện đại hơn, nặng về mảng.
Bức Nước sâu (Sơn dầu)
Kỹ thuật vẽ mảng được thể hiện rõ nhất trong bức Nước sâu (1892). Làng quê Controley trong ráng chiều. Những rặng cây chìm vào bóng tối, in trên nền trời vàng rực. Bóng cây tối hẳn trên mặt nước phẳng lặng. Đêm thâm u khiến nước rêu thêm. Chiếc cầu tạm bắc ngang mời mọc, nâng bước chân người về. Nước Nga không thiếu cảnh hùng vĩ, choáng ngợp kiêu sa, song Levitan ưa chọn góc độ bình dị, thân thương của làng quê yên ả để gửi gắm cảm xúc, khiến người thưởng lãm phải chiêm ngưỡng, tâm niệm, lặng đi trong cảm xúc.
Bức Sự tĩnh lặng đời đời (Sơn dầu)
Ta trầm tư trước ngôi nhà thờ cổ ven sông, lau lách phất phơ trong gió. Le lói ánh đèn vàng vọt từ khung cửa sổ, và phía sau là những linh hồn yên nghỉ với những cây thánh giá liêu xiêu. Đấy là Sự tĩnh lặng đời đời (1893-1894) của cõi vĩnh hằng.
Bức Rừng bạch dương (Sơn dầu)
Ta dào dạt tình yêu thiên nhiên, bừng khởi khúc hưng phấn, nhảy múa cùng lá cành giữa Rừng bạch dương trong ánh nắng chan hòa. Không gian như vang lừng tiếng nhạc reo vui cùng hương cỏ bừng thức. Ta hóa thân thành bạch dương và cỏ cây run rẩy cảm xúc người.
Bức Hoàng hôn - đống cỏ khô (Sơn dầu)
Rồi cảnh Hoàng hôn-đống cỏ khô (1892), lập tức khiến ta lắng lòng lại, ngắm những đống cỏ khô rải rác dưới trăng lu. Đêm tịch mịch, vừa ấm cúng của làng quê sau mùa gặt, vừa lạnh lẽo của đêm sương, văng vẳng râm ran tiếng côn trùng đây đó.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là Mùa thu vàng (1895). Màu vàng của rừng bạch dương nước Nga vào thu trở nên thần sắc, quyến rũ, mê hồn bao người, khiến nhà sưu tập tranh Tretiacov không tiếc tiền bỏ ra mua làm giàu cho bộ sưu tập của mình. Đó là màu vàng của giấc mơ thiên đàng, ấn tượng không phai mờ với cả những ai đã có may mắn đặt chân đến Nga vào mùa thu dù chỉ một lần.
Bức Mùa thu vàng (Sơn dầu)
Thiên nhiên Nga, như một nhân vật, hiện thân của cái đẹp vĩnh hằng, sống động trong dân ca, trong thơ Pushkin, Lermontov, Esenin, cả trong những áng văn xuôi của Lev Tolstoy, Chekhov, trong âm nhạc Tchaikovski và trong tranh Levitan. Đó là thế giới của sắc màu thấm đẫm tâm hồn Nga đầy kiêu hãnh, trong sáng và mênh mông một nỗi buồn trắc ẩn. Ông không nhìn thiên nhiêu ở góc độ hào nhoáng, lạ lẫm mà bình dị, thân thương. Ai đã đặt chân lên đất nước Nga vào thu đều không khỏi ngỡ ngàng trước màu vàng choáng ngợp của rừng bạch dương. Nhiều góc độ hoành tráng hơn tranh vẽ. Levitan dừng lại ở cây bạch dương nhỏ, dòng nước nhỏ, cầu gỗ đơn sơ, những đống rơm lặng lẽ dưới trăng mờ... vì nó gần gũi, thân thương. Thiên nhiên Nga trong tranh ông không phải nàng tiên xa lạ, mà là cô hàng xóm đáng yêu, nặng lòng giao cảm.
Với sự bùng nổ công nghiệp của chủ nghĩa tư bản, khuôn mặt thiên nhiên Nga bị bóp méo, Levitan gắng công lưu giữ thiên nhiên thuần khiết trong tranh mình, cũng như Esenin hoài niệm về một làng quê yên ả. Cảm xúc bùi ngùi này dậy lên trong ta, giờ đây, khi về quê xa xa vắng bóng lũy tre làng...
Con người ngày càng ý thức về môi trường, càng thấy giá trị tranh phong cảnh của Levitan. Riêng đối với thiên nhiên Nga, tranh ông là chân dung trung thực, đầy biểu cảm.
http://tuanvietnam.net/2009-11-05-nuoc-nga-tuyet-dep-cua-levitan)
0 nhận xét