Phú Quang: ’Phụ nữ bù đắp cho tôi’

Người đăng: Vtv12 3/12/11

Cái được - mất trong đời không như người ta nghĩ

Khi các bác sĩ tuyên án ung thư, anh đã viết "Ngọn nến", thế còn trận ốm vừa rồi có làm anh giật mình lần nữa về sự hữu hạn của cõi người?

Năm 50 tuổi, tôi bị khối u ở cổ, to bằng diều gà tây, bên cạnh có thêm một cái bằng quả trứng gà, rắn như đá. Bác sĩ chẩn đoán ung thư, cho tôi về nhà với vợ con, suy nghĩ và sau đó quay lại để họ bóc tách khối u rồi xạ trị. Nhưng tôi bảo sẽ không phẫu thuật, các bác sĩ giận lắm, hỏi: "Anh không sợ chết à?", tôi nói: "Không, tôi sống thọ lắm rồi".

Bác sĩ bảo: "Anh 50 mà nói mình sống thọ lắm rồi là sao?". Tôi đùa lại: "Các anh biết một mà không biết mười. Ở Hà Nội có câu: Những người hay ăn hay chơi, sống 30 tuổi bằng người 100. Tôi sống 50 năm là gần 200 tuổi rồi, thành ra như thế là thọ rồi". Bác sĩ bảo: "Tôi chịu cách anh lý luận rồi". Lần đó tôi về tập trị liệu, tập đúng một năm, khối u tự nhiên mất đi.

Trận ốm vừa rồi, tôi biết mình sẽ qua khỏi, vì sau tai biến 10 giờ, nhờ trời thương và các bác sĩ chăm sóc tận tình, tôi đã bình thường trở về. Bây giờ tôi không bị dằn vặt nhiều về ý nghĩa của sự sống, chết, được, mất nữa. Tôi thích một câu của Exenhin: "Chết thì không có gì mới cả, nhưng không có nghĩa là sống thì mới hơn".

Anh luôn giữ được vẻ ung dung của người có sự tĩnh tại bên trong. Nhưng anh còn có một hình ảnh khác: run rẩy, xúc động mỗi lần lên sân khấu hát những bài ca của chính mình. Đặc biệt là bài "Sinh nhật đen", dường như có một vùng sâu thẳm nào đó của anh từng bị đè nén rất nặng?

Ngày xưa tôi được sinh ra ở Phú Thọ. Lúc ấy mẹ tôi tuổi đã lớn, 45 tuổi và cha tôi 57 tuổi nên bà rất xấu hổ về chuyện mang thai. Sinh tôi xong mẹ không dám ra đường, mãi 3 tháng sau bà mới ra ngoài và đi xin giấy khai sinh cho con. Đến ủy ban xã, người ta bảo mẹ tôi: "Chị đến hôm nay thì đề ngày khai sinh hôm nay".

Mẹ tôi bảo: "Nhưng tôi sinh cháu ngày khác". Ông ấy bảo rằng, nếu mẹ tôi không đề ngày này thì thôi không làm giấy khai sinh nữa. Vì thế, sinh nhật tôi thực ra là sinh nhật giả, nên suốt nhiều năm tôi chẳng bao giờ tổ chức.


Mãi đến năm 20 tuổi, tra lịch vạn niên từ ngày âm lịch mà bố ghi lại, tôi mới biết mình sinh ngày 8.7. Ngày sinh nhật thật của mình chẳng ai quan tâm nên tôi luôn thấy rất buồn, cảm thấy nó như sinh nhật đen ấy. Một ngày, tôi đọc được bài thơ của người bạn cũng có tâm sự hệt như mình, tôi đã viết bài hát này. Bài hát là đề tặng cho chính mình vào những ngày rất buồn, khi tôi khoảng ngoài 30 tuổi.

Một kỷ niệm không vui, nhưng anh có cảm thấy đôi khi anh nhìn cuộc sống cũng đôi phần khắc nghiệt hơn người khác?

Tại tôi bị đòn của cuộc đời này sớm quá, không phải ai 14 tuổi cũng bị những cú đòn đau như vậy. Ngày ấy, tôi là học sinh giỏi được trường cử đi học nước ngoài. Tôi hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng khi giám hiệu trường lộ ra chi tiết là nếu không kết nạp đoàn, suất đó sẽ dành cho người khác. Thế là bao nhiêu đoàn viên hy vọng thay thế tôi, vui cho tôi là kiêu căng, suốt ngày chúi mũi vào sách vở, không hòa đồng, không cho tôi kết nạp đoàn và tất nhiên họ thành công.

Tôi khóc rất nhiều, khi ngẩng mặt lên thấy xung quanh mình là những gương mặt hả hê, số còn lại là người tử tế song chẳng ai dám bênh mình. Và tự nhiên tôi thấy cả hai gương mặt đó đều đáng ghét như nhau. Khi đó, tôi chợt nhận ra sự đáng ghét của mặt trái đời sống và đã viết truyện ngắn Mặt nạ. Sau này mỗi khi có chuyện xảy ra, tôi lại đeo chiếc mặt nạ vô cảm ấy. Từ đó, tôi không bao giờ biết khóc trước sự tàn nhẫn đến với mình.

Khi bạn bè cùng khóa đi học nước ngoài hết chỉ có mình ở lại, tôi đã học như một thằng khùng. Tôi tự thề là sẽ lập ra một dàn nhạc toàn những người đi học nước ngoài, mình tốt nghiệp trung cấp chính quy, chỉ huy. Và tôi thành lập ban nhạc Mùa Thu như thế. Một số người du học về, đến nói với các nghệ sĩ trong dàn nhạc của tôi: "Tại sao các anh bằng đỏ, bằng xanh mà lại để một thằng vô học như thế chỉ huy". Mọi người phẫn nộ, nhưng tôi chỉ nói giản dị: "Con người đổi thay dễ lắm, tôi sẽ chứng minh cho các anh thấy chỉ ba hôm nữa anh ta sẽ nói khác".

Một hôm, tôi tới gặp người đó và nói: "Anh có thích đánh trong dàn nhạc Mùa Thu của tôi không?", anh ta trả lời: "Ôi, thích quá chứ, đánh dàn nhạc của Phú Quang, mình rất vinh dự". Tôi bảo nếu thích thì anh đến làm với tôi. Hôm sau khi anh ta xuất hiện, mọi người quay sang hỏi, anh ấy bảo: "Mình thích đánh nhạc Phú Quang".

Thực ra ngày đó ai tham gia dàn nhạc Mùa Thu không chỉ được chơi nhạc mà còn hưởng thù lao rất cao. Tôi nhớ ngày đó, lương thực tập của tôi sau khi ra trường một thời gian chỉ 40 đồng, nhưng đi chỉ huy 5 bài của dàn nhạc Mùa Thu và phối khí mỗi buổi đã được 100 đồng.

Khi đã có vài huy chương vàng quốc gia, tôi làm đơn xin vào Hội nhạc sĩ. Các ông ở hội, tôi từng phối nhạc hầu khắp cho họ rồi nên tôi nghĩ rằng, việc mình vào hội chỉ cần 2 tác phẩm được công nhận và 3 người giới thiệu là được. Lúc đó, tôi đã có cả chục tác phẩm được công nhận và nghĩ nếu cần, cả trăm người giới thiệu chắc mình có rồi. Nhưng khi tôi đến Hội nhạc sĩ, chủ tịch hội nói rằng tôi phải học thêm cái này, cái nọ.

Tôi chỉ cười và trả lời: "Em cảm ơn anh, nhưng em là người không có thói quen đến một bữa ăn mà người ta không mời mình". Đến 10 năm sau, ban chấp hành mời tôi lên, họ bảo: "Thôi cậu vào đi", khi đó tôi mới thành nhạc sĩ.

Trong cuộc đời đã gặp nhiều chuyện như vậy nên tôi rất thản nhiên.

Đến bây giờ anh có phải đeo mặt nạ nữa hay thôi?

Thái độ của tôi luôn bình thản. Đến 50 tuổi, tôi nghĩ cái được - mất trong cuộc đời không như người ta nghĩ đâu. Tôi thích đọc sách của các tác giả phương Đông, triết lý đạo phật, cõi này chỉ là cõi tạm. Nghĩ vậy thì mình sẽ sống khác đấy. Con người đừng vật vã theo đuổi tiền tài, danh tiếng làm gì. Giao hưởng thơ Cõi người, tôi có đưa vào đó một ý: biết thế nào là hạnh phúc, biết thế nào là không hạnh phúc.

Một ông giám đốc sản xuất của Pháp định làm phim tài liệu trên nền nhạc giao hưởng của tôi với 3 chủ đề: Một là có đấng tối cao nào đấy biết hết mọi thứ; hai cái còn lại một bên là cái thiện, một bên là cái ác. Trong cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, có lúc cái ác thắng tếh và nó có thể đắc chí, vênh vang nhưng cuối cùng theo quy luật cuộc sống, cái thiện sẽ chiến thắng. Nhưng tôi có thêm một ý là ngay cả khi cái thiện chiến thắng, ngày đó cũng chẳng có ý nghĩa nữa. Như vậy, nếu hiểu được chuyện đời, người ta sẽ thấy bình yên lắm.


Bây giờ cái anh muốn làm nhất là gì?

Tôi còn nhiều ý tưởng muốn làm, nhưng nếu phải dừng lại thì tôi chẳng có gì ân hận, vì đã sống hết mình rồi và cũng không có gì xấu hổ về đời sống của mình. Sống nghênh ngang như tôi mà vẫn yên ổn, tôi nghĩ là đã thành công lắm rồi.

Phụ nữ là phần bù lại cho cuộc sống của tôi

Một người luôn tự tại và cả ngông nghênh như anh đã bao giờ biết ơn người khác, bởi vì có họ mà anh mới thành người như hôm nay?

Là mẹ, mẹ đã dạy tôi triết lý sống ở đời. Mẹ không học cao nhưng rất thích văn thơ, có thể đọc làu làu Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... và dạy tôi toàn bằng thơ Đoàn Thị ĐIểm, Hồ Xuân Hương... Bao giờ mẹ cũng đọc lên một câu thơ đúng lúc cần phải dạy tôi chuyện gì đấy.

Mẹ tôi hay lắm. Năm 14 tuổi khi tiễn các bạn đi du học, tôi đau khổ kinh khủng. Đêm xuống, tôi lén lấy chìa khóa nhà, mở cửa đi lang thang. Đêm đó hơn một lần tôi muốn nhảy vào đoàn tàu đi qua phố Khâm Thiên. Hôm sau tôi chán, không buồn thức dậy ăn cơm. Mẹ biết chuyện nên sau khi mọi người ăn xong và đi làm hết, bà lên phòng tôi, ngồi xuống bên cạnh.

Bà chỉ nói một câu thôi nhưng làm tôi thức tỉnh: "Mợ (mẹ) biết tất cả những chuyện xảy đến với con nhưng con đừng hy vọng mợ sẽ khuyên nhủ hay dỗ dành con. Mợ chỉ muốn hỏi con rằng: Con có bao giờ nghĩ, sự thông minh của con cũng đủ đáng ghét trong mắt những kẻ ganh tỵ hay không". Nghe mẹ nói xong, tôi ngồi dậy ăn cơm như một thằng chết đói. Cũng từ đó, không bao giờ có gì có thể làm tôi đau khổ hay gục ngã được nữa.

Khi tôi ngoài 30 thì mẹ mất, lúc đó tôi đang ở Sài Gòn, còn bà vẫn ở Hà Nội. Không cạnh mẹ những ngày cuối cùng là nỗi ân hận lớn nhất của tôi. Năm đó tôi về Hà Nội tới chục lần, nhưng những ngày cuối cùng tôi đã không có mặt, chỉ đến kịp đám tang.

Ngoài mẹ, những người phụ nữ đã đến và đi trong cuộc đời anh có ý nghĩa ra sao?

Có nhiều người không như tưởng tượng của mình, nhưng họ đều là những người tôi rất trân trọng và tôi nghĩ mình cũng nhận được sự trân trọng từ họ. Tôi đã bị khủng hoảng niềm tin từ rất sớm, nhưng những người phụ nữ là sự bù đắp cho cuộc đời tôi.

Có mối quan hệ nào mà anh thấy rằng đáng tiếc?

Cũng có. Ngày xưa có một người đã bỏ đi rất xa mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ trở về nữa. 13 chuyện bình thường là tôi viết cho người con gái đó. Sau này đời sống cuốn đi mọi thứ, song tôi không bao giờ trách những người đàn bà đã đi qua cuộc đời mình vì muốn hay không muốn, họ cũng dành cho mình tình yêu chân thực, họ không đến với mình vì một cái gì đó.

Từ thâm tâm mình, tôi nghĩ họ không có gì phải ân hận, vì tôi cũng đã đối xử hết mình với họ.

Người phụ nữ hiện tại có đủ là bến đỗ bình yên cho phần đời còn lại của anh?

Tôi nghĩ người phụ nữ hiện tại của mình là ổn. Cô ấy là người biết cảm thông. Tôi đã nói yêu nghệ sĩ khó lắm, trái tính trái nết và nhiều lúc dở hơi. Yêu người nghệ sĩ đòi hỏi người phụ nữ phải bao dung nhiều hơn. Bởi nếu không cảm thông sẽ không yêu được, nếu không yêu thì không thể lấy làm vợ được. Còn việc sẽ sống với nhau bao lâu, có ở với nhau tới đầu hói răng giả không, quả thật tôi chẳng có thời gian nghĩ đến.

Cô ấy là fan ruột của anh?

Cô ấy thích nhạc của tôi thôi. Nhưng nếu tính các cô thích nhạc Phú Quang thì nhiều lắm. Người thích mình thì ít chứ thích nhạc thì đầy (cười).

Tôi thường nói quá lên những điểm xấu của mình để nếu họ chịu đựng được thì ở lại, không thì thôi. Tôi vốn không thích giả vờ tô vẽ về mình để ai đó phải vỡ mộng. Với lại vợ chồng là duyên số mà, và tôi cũng không phải là Trần Đăng Khoa để chọn người thích hay không thích thơ mình.

 Phú Quang và người vợ hiện tại
Phú Quang và người vợ hiện tại


Anh đã mất bao lâu để lại tìm thấy hạnh phúc lần này?

Thực ra trước khi đến với cô ấy, tôi từng nghĩ không bao giờ đến với ai nữa. Nhưng chắc là số phận nên hai người cứ xích lại với nhau dần dần.

Hỏi anh một câu cuối cùng chẳng liên quan đến những điều đã chia sẻ ở trên: một người như anh, bây giờ có gì phải nói dối nữa không?

Trong đời tôi chẳng mấy khi phải nói dối, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải nói dối về việc đi uống rượu. Tôi là người uống rất được và ngày nào cũng có vài lời mời tới những cuộc nhậu. Tôi không sợ bệnh, chẳng sợ say, chỉ sợ uống mà không say được, cứ thấy những tiếng cười xung quanh mình nhạt thếch. Tôi sợ điều ấy nên rất ngại khi được mời đi uống rượu, và luôn phải cáo từ: "Tôi đang say quá".

(Theo Mốt& Cuộc sống)

0 nhận xét

Đăng nhận xét